Bắc Ninh: Nông dân ở đây lập trang trại nuôi con gì, trồng cây gì mà có doanh thu 1.100 tỷ đồng?

Thu Hà Thứ tư, ngày 29/12/2021 18:00 PM (GMT+7)
Nhờ nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Nông dân Bắc Ninh giàu lên nhờ lập trang trại

Là một trong những chủ trang trại tiên phong xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, chị Vũ Thị Đông - chủ trang trại Giang Nam ở xã Ngũ Thái (Thuận Thành) chia sẻ: "Muốn mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất thiết phải tạo dựng được uy tín thông qua thương hiệu được khẳng định. Vì vậy, ngay từ khi đưa trang trại vào hoạt động, chúng tôi thực hiện nghiêm chuỗi quy trình sản xuất khép kín gắn với đăng ký bản quyền, dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm".

Trên diện tích khoảng 5ha, trang trại đã áp dụng thành công mô hình vườn - ao - chuồng sử dụng chế phẩm EM làm đệm lót vi sinh, ủ thức ăn và sử dụng trong trồng rau, lúa hữu cơ. Đến nay, một loạt các sản phẩm an toàn gồm thịt tươi, pa-tê, xúc xích, giò mang thương hiệu Giang Nam được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các sàn thương mại điện tử.

Nông dân Kinh Bắc giàu lên nhờ làm trang trại - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi hữu cơ Giang Nam ở xã Ngũ Thái (Thuận Thành) có 2 sản phẩm được đưa vào danh mục Chương trình OCOP. Ảnh: Huyền Thương

Nông dân Kinh Bắc giàu lên nhờ làm trang trại - Ảnh 2.

Trang trại còn thực hiện dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái cho những người có nhu cầu, cũng là một cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Năm 2021, riêng sản phẩm xúc xích hữu cơ, pate hữu cơ của trang trại Giang Nam được đưa vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nhờ tích tụ ruộng đất, bà Nguyễn Thị Ngâu ở thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nho hạ đen và hoa thiên lý rộng gần 8 mẫu. 

Bà Ngâu cho biết: Trước đó, bà đã có thâm niên gần 40 năm trồng lúa và các loại cây rau màu ngắn ngày khác. Tuy nhiên, do sản xuất manh bún trên diện tích nhỏ lẻ, phân tán, không có điều kiện để cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế luôn ở mức thấp.

Đến năm 2017, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và những chính sách khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất của tỉnh Bắc Ninh, bà đã mạnh dạn thuê lại hàng chục sào ruộng của người dân địa phương nằm ở các diện tích liền kề, tiến hành cải tạo đất, làm giàn để trồng hoa thiên lý và sau đó là mở rộng sang cây nho hạ đen.

Việc toàn bộ mô hình được quy hoạch tập trung đã tạo thuận lợi cho bà Ngâu dễ dàng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, tạo ra những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn về chất lượng, có giá trị cạnh tranh.

Đó là 2 trong số hàng trăm mô hình trang trại điển hình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nhờ nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có điều kiện nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

195 trang trại tạo ra giá trị hơn 1.100 tỷ đồng

Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.800 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910ha, tổng vốn đầu tư gần 896,6 tỷ đồng. Tổng doanh thu của 195 trang trại năm 2020 đạt hơn 1.100 tỷ đồng.

Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có hơn 2.800 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910ha, tổng vốn đầu tư gần 896,6 tỷ đồng. Nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Một điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh đó là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp đã dần được phổ biến. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc lưu thông và tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, giá bán giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nên tổng doanh thu của các trang trại ở Bắc Ninh giảm hơn so với năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế trang trại của Bắc Ninh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các trang trại phát triển sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết với nhau và tìm đối tác để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thuê đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế…

Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai. 

Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục, quy trình, thẩm quyền giải quyết để các địa phương triển khai thực hiện. Nâng cao hiệu quả áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối, liên kết, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem