Bài dự thi "Tết đoàn viên": Thược dược gọi Xuân về

Yến Anh Thứ năm, ngày 19/01/2023 08:09 AM (GMT+7)
Thời điểm cận Tết, Hà Nội có những ngày chìm trong làn mưa bụi lất phất bay. Có cảm tưởng cả thành phố được phủ một lớp khăn voan mềm nhẹ với cái rét ngọt cuối đông.
Bình luận 0
Bài dự thi "Tết đoàn viên": Thược dược gọi Xuân về - Ảnh 1.

Thược dược Tết quê. Ảnh: Yến Anh

Tôi khẽ khàng dắt xe từ cơ quan trở về nhà sau một ngày mệt nhoài bởi bộn bề công việc thì nhận được tin nhắn từ mẹ ở quê: "Tết này, vợ chồng con có về không? Bố mẹ đang chờ. Thược dược nở rộ rồi con ạ".   

Phố tấp nập, người xe đan xen như mắc cửi nhưng lòng tôi cứ miên man bao nỗi nhớ nhà. Tôi biết bố mẹ rất mong chờ mình về quê ăn Tết, nhưng gánh nặng công việc và trọng trách lo toan mọi thứ trong gia đình chồng khiến bản thân chần chừ không dám quyết định. Chạy ngang qua góc đường Âu Cơ, chợt thấy một chiếc xe đạp cũ kỹ chở những đóa thược dược rực rỡ sắc màu, hồi ức về những ngày còn thơ lại quay trở về. Tôi vội mua cho mình một bó hoa thược dược thật lớn cùng vài cành violet tim tím. Kỳ lạ thay, mỗi khi nhìn thấy hoa thược dược, tôi lại cảm giác Tết đang đến thật gần.

 Nhớ những ngày Tết đã xa, sáng tất niên nào, bố mẹ cũng dắt tôi đi chơi chợ hoa, tỉ mỉ chọn những cành hoa thược dược đủ sắc màu cắm kèm với violet, hoa đồng tiền, hoa lay-ơn, hoa cánh bướm. Bố tôi hay bảo: "Người Việt mình thường rất yêu hoa, thích cảnh sắc thiên nhiên. Ai là người khó tính hoặc đang mỏi mệt trong cuộc sống, chỉ cần đảo qua chợ hoa, mọi ưu tư, lo lắng trĩu nặng trong lòng bỗng nhiên tan biến". Tuổi nhỏ ngây thơ khiến tôi không mấy quan tâm đến lời bố nói, nhưng càng trưởng thành, rời xa vòng tay của bố mẹ, càng khiến tôi thấu hiểu hơn điều này. Hương sắc của các loài hoa thật sự đã xua đi biết bao mỏi mệt của cuộc mưu sinh thường ngày.

Tôi yêu thích những nhành hoa mùa xuân có lẽ cũng bắt nguồn từ những ngày còn thơ bé, theo bố mẹ đi chơi các phiên chợ hoa ngày Tết. Những năm 80 khó khăn của đất nước, chợ hoa chưa có địa điểm cụ thể nào, chỉ khiêm nhường đứng khép nép ở một góc chợ. Khó khăn thường trực trên những gương mặt khắc khổ của người dân nhưng ai cũng tràn đầy hy vọng vào một năm mới hạnh phúc và sung túc. Với những đứa trẻ như tôi, phiên chợ ngày Tết là một nơi rực rỡ sắc màu, tràn đầy niềm vui và sự mới lạ.

Phiên chợ Tết quê tôi thường họp vào ngày 28 tháng Chạp. Chợ phiên rất đông vì là nơi mua bán nông sản, thực phẩm thiết yếu của người dân trong làng. Sáng sớm tinh sương, chợ đã đông đúc, náo nhiệt với quang gánh, thúng mủng rau củ, quả đu đủ, buồng chuối xanh, nải chuối chín, lá chè tươi, gà sống thiến…dường như được chuẩn bị từ chiều hôm trước để sớm nay mang bày bán ngoài chợ xen lẫn những tiếng chào hàng. Không khí phiên chợ Tết hệt như những vần thơ của cụ Đoàn Văn Cừ: "Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/Con gà trống mào thâm như cục tiết/Một người mua cầm cẳng dốc lên xem".

Bài dự thi "Tết đoàn viên": Thược dược gọi Xuân về - Ảnh 2.

Hoa hướng dương nhà bố mẹ. Ảnh: Yến Anh

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, việc được đi chơi chợ Tết với bố mẹ luôn là một niềm háo hức đến kỳ lạ. Bố hay dắt tay tôi đi xem những vật phẩm bày bán trong chợ. Có cảm tưởng như mọi thứ trên đời đều có trong khu chợ này từ gạo nếp, gạo tẻ, lá dong, bánh dầy giò, kẹo lạc, tranh Đông Hồ, tò he…Và đương nhiên, khu vực bố con tôi thích nhất vẫn là nơi bán cây cảnh, hoa tươi và cả hoa khô. Hoa khô, hoa giấy thường được mọi người mua về để thay hoa cắm trên bàn thờ sau một năm đã ngả bạc. 

Nhưng háo hức nhất vẫn là vào khoảng hăm bảy hăm tám Tết, khi cả phiên chợ chật kín những chậu đào chậu quất, các chậu hoa đủ loại đua nhau khoe sắc, như cố gắng khoe hết vẻ đẹp rực rỡ nhất của mình để nghênh đón chúa Xuân, và thu hút ánh nhìn của người chơi hoa dịp Tết.

Tôi thường ngẩn ngơ đứng ngắm màu vàng tươi của những trái quất vàng tươi chi chít trên cành, màu hồng phớt của những cánh đào phai mộc mạc, màu đỏ thắm mộc mạc mà đằm thắm của hoa thược dược, và sắc xanh đỏ tím vàng trắng của cơ man là những bông hoa đủ loài như cúc, hồng, dơn, huệ, cẩm chướng, phăng-xê, li li, tuy-líp…, tất cả như bỏ bùa ánh mắt của bất kì ai bước vào chợ. Trước thế giới của những loài cây và hoa Tết, người đi chợ không khỏi cảm thấy xốn xang trong lòng.

Dù chợ hoa đa dạng là thế, nhưng bố mẹ tôi lại thường giữ thói quen mua một bó hoa thược dược đỏ kèm theo ít cành violet tim tím. Bố bảo: "Đây là loại mà khi còn sống cả bà nội lẫn bà ngoại con đều yêu thích đấy. Đặc biệt là bà ngoại con, vì thời còn trẻ bà con trồng cả cánh đồng hoa thược dược để bán Tết". Mấy lời giản đơn của bố khiến mẹ nghẹn ngào xúc động, vội che đi gương mặt ướt nhòe vì nước mắt.

Bài dự thi "Tết đoàn viên": Thược dược gọi Xuân về - Ảnh 3.

Thược dược Tết. Ảnh: Yến Anh

Ông bà ngoại đã vĩnh viễn đi xa rất nhiều năm, ngôi nhà cạnh vườn hoa thược dược năm nào cũng chẳng còn. Nỗi mong nhớ ông bà ngoại mỗi dịp xuân về, mẹ chỉ có thể cất giữ trong tim. Tôi khẽ bước theo chân mẹ, dưới ánh nắng ban mai mùa xuân, thấy bó hoa thược dược mẹ ôm trên tay đơn thuần mà đặc biệt đến kỳ lạ. Thược dược như đang gọi cả mùa xuân về.

Khi về tới nhà, mẹ tôi theo thói quen, sẽ ngâm bó hoa vào chậu nước để "hồi" hoa. Những bông hoa sau khi "uống" nước đã tươi tỉnh sẽ được mẹ tôi tỉ mẩn cắm vào chiếc bình men màu lam. Người miền Bắc thích cắm hoa thược dược vào dịp Tết bởi theo quan niệm truyền thống, đây là loài hoa được tôn vinh là hoa tướng, sau mẫu đơn vốn là loại hoa vương. 

Bên cạnh đó, sắc hoa rực rỡ, sang trọng mang đến may mắn và viên mãn thành tựu vào dịp đầu xuân năm mới. Theo lời mẹ tôi kể thì có khá nhiều kinh nghiệm để giữ bình hoa ngày Tết được tươi lâu. Mẹ tôi thường tỉa hết lá phía dưới cành để tránh lá rữa mục trong bình khiến hoa nhanh héo. Để "dưỡng hoa" lâu, mẹ tôi cũng thường cho vào nước cắm hoa một ít giấm trắng, đường hoặc nước cốt chanh.

Bài dự thi "Tết đoàn viên": Thược dược gọi Xuân về - Ảnh 4.

Thược dược nhà trưng. Ảnh: Yến Anh

Người miền Bắc ăn Tết phương xa thường luyến nhớ những điều thật giản đơn. Có một năm, tôi đi công tác dịp cận Tết, suốt cả chuyến bay, cố gắng nâng niu bó hoa thược dược và violet làm quà cho người bạn quê gốc Hà Nội, giờ sinh sống trong Nam. Và bạn tôi vỡ òa hạnh phúc, reo lên đầy vui sướng khi đón nhận bó hoa. Tôi rưng rưng theo lời bạn thốt lên: "Cám ơn bạn đã mang mùa xuân phương Bắc vào cho tôi nhé". 

Đó cũng là nỗi nhớ khó nói nên lời của tôi mỗi khi Tết đến Xuân về. Nhìn lọ hoa khiến tôi nhớ biết bao cái Tết ở nhà cùng bố mẹ. Dẫu đi xa, thành đạt hay trưởng thành đến đâu, tôi vẫn không thể quên cảm giác hạnh phúc khi được ngồi cạnh bố mẹ bên hiên nhà, cạnh lọ hoa thược dược bừng nở, cùng nhấm nháp ít mứt gừng cay nồng mẹ làm, nghe bố kể chuyện làng xã, họ hàng thân quen.

Đường về nhà ngỡ gần mà sao xa xôi đến thế, nhất là khi tôi đi lấy chồng, phải thay cha mẹ chồng đảm đương biết bao việc trong nhà. Cận Tết, vừa ngồi chặt thịt gà để bày biện mâm cỗ, tôi vừa khẽ khàng nhắn tin cho mẹ: "Chắc Tết con không về mẹ à. Việc nhà chồng của con nhiều quá". Chỉ vài giây sau, mẹ tôi hồi đáp: "Ừ, đúng rồi con ạ. Con cứ lo việc nhà chồng. Khi nào thư thả hãy về, bố mẹ vẫn luôn chờ con. Mẹ đã nhờ bác hàng xóm gởi một bó hoa thược dược cho con. Con nhớ cắm hoa nhé".

Chiều hai mươi chín Tết, chồng tôi ôm về bó hoa thược dược còn vương chút sương mai mùa xuân, khẽ khàng đưa cho tôi. Anh bảo: "Xin lỗi vì việc nhà anh đã khiến em không về Tết được cùng bố mẹ ở quê". Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ cắm hoa vào bình, thoáng trong gió chút mùi hương thuần khiết của tuổi thơ, thấy như mình đã quay trở về nhà cùng bố mẹ thong thả đón Xuân về. Bình thược dược như gọi cả mùa xuân về bên hiên nhà, nói thay biết bao tâm tình của người con xa quê.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Qúy Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem