Từ vụ 500 container ách tắc tại Lào Cai: Rủi ro nào trong giao thương biên mậu?

20/08/2019 17:06 GMT+7
Theo giới chuyên gia, thương mại biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc như một lực sĩ và kẻ hom hem. Trong đó, phía Trung Quốc làm chủ cuộc chơi, có thể bất thình lình thay đổi chính sách đặt Việt Nam vào thế bị động.

Vì sao hàng trăm xe container thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu?

Mới đây, các ngày từ 10.08, có khoảng 500 xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc tại khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Các xe container đang trên đường chở thanh long từ Bình Thuận và các tỉnh phía Nam ra Lào Cai để làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời tiết nắng nóng ở tại miền Bắc khiến cánh tài xế sốt ruột về chất lượng, khả năng bảo quản khi hàng hóa bị ùn ứ nhiều ngày. Chiều 15/8, có 50% số xe chở thanh long xuất khẩu đang bị ách lại đã được giải quyết thủ tục đến thông quan.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đỗ Trường Giang, giám đốc sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân của đợt ách tắc hàng xuất khẩu qua biên giới Việt – Trung lần này là do phía Trung Quốc thay đổi cơ chế cấp thẻ xe cho các container hàng hóa.

Container chở thanh long từ các tỉnh phía Nam qua cửa khẩu bị ách tắc do phía Trung Quốc thay đổi chính sách cấp thẻ xe.


“Phía Trung Quốc có chính sách cấp thẻ điện tử cho các xe chở hàng qua biên giới, thay đổi thường xuyên mỗi tháng 1 thẻ. Thời gian vừa rồi, họ tổ chức bắt hàng ở nước thứ ba do chủ là các đơn vị của Trung Quốc vi phạm các chính sách.

Sau đó, họ tiến hành thu giữ các thẻ xe trong đó có cả các xe thanh long của Việt Nam, do vậy, xảy ra tình trạng tắc hàng ở biên giới. Ngoài ra, hệ thống điện của Trung Quốc có vấn đề, xe đi qua phải kiểm tra thủ công nên hơi lâu.” Ông Giang nói.

Ông Trần Anh Tú, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Cửa khẩu tỉnh Lào Cai thông tin thêm, hiện tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan.

Tuy không xảy ra thiệt hại lớn nhưng việc các container thanh long bị ách tắc dấy lên nghi ngại về những rủi ro trong giao dịch thương mại biên mậu Việt Nam – Trung Quốc suốt những năm qua.

“Thanh long phía Việt Nam xuất khẩu theo diện chính ngạch, còn đối với Trung Quốc, thanh long xếp vào hàng nhập khẩu biên mậu của cư dân biên giới. Nếu để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì còn khó khăn hơn, vì hàng rào kỹ thuật của họ rất khắt khe”, ông Tú nói.

Tuy nhiên cũng theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, mặc dù, phía Trung Quốc không nêu lý do là truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản của Việt Nam nhưng việc kiểm tra kỹ hơn các sản phẩm nông sản và thay đổi cơ chế vận tải biên mậu góp phần làm hàng nông sản của Việt Nam bị ùn lại tại khu vực cửa khẩu biên giới.

Việc phía Trung Quốc nắm “đằng chuôi” trong giao dịch biên mậu giữa hai nước khiến Việt Nam luôn ở trong thế bị động. Cơ chế “nhập nhèm” giữa hàng chính ngạch và hàng lậu có thể khiến nền kinh tế Việt Nam không vươn lên nổi.

Rủi ro chờ đợi nền kinh tế

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho biết, chính sách biên mậu là chính sách cực kỳ nguy hiểm, kéo cấu trúc kinh tế VN xuống rất thấp.

Các ngành hàng công nghiệp trong nước không thể phát triển do nhập khẩu “vô tội vạ” từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, việc xuất khẩu các ngành hàng nông sản có giá trị cao theo đường tiểu ngạch được hỗ trở bởi chính sách biên mậu lại “bóp nghẹt” các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch.

“Nếu ai từng đến các chợ ở khu Chợ Lớn (TP.HCM) sẽ thấy sự khủng khiếp của hàng hóa biên mậu. Biên mậu là chính sách mà có lẽ chỉ Việt Nam có với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các nước trên thế giới chỉ tồn tại chính ngạch với buôn lậu chứ không có biên mậu.

Biên mậu là loại “nửa dơi nửa chuột”, là nhập nhèm giữa chính ngạch với buôn lậu. Việt Nam có bao giờ ngăn được dòng hàng kém chất lượng của Trung Quốc vào nước ta đâu. Nhưng dưa hấu của Việt Nam qua thì họ ngăn được ngay. Đó là một thực tế. Chấp nhận trò chơi không luật này là bất lợi cho VN.” Ts Thiên nói.

Hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn luôn là bài toán khó giải.


Theo các chuyên gia, việc hàng hóa với chất lượng không đảm bảo từ Trung Quốc qua Việt Nam như vậy khiến nền kinh tế VN không thể lớn mạnh, doanh nghiệp Việt mất hết khả năng cạnh tranh.

TS Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế, thẳng thắn nhấn mạnh, thương mại biên giới Việt – Trung hiện tại là mô hình giao thương gắn với buôn lậu. Các mặt hàng nhập lậu từ TQ đa phần là hàng cấm, có thuế nhập khẩu cao, hàng phải qua kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng giá trị hàng hóa nhập lậu qua biên giới Việt - Trung hằng năm là rất lớn.

Nhằm tránh việc Trung Quốc chèn ép trong hoạt động giao thương biên mậu, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có thể lập danh sách những mặt hàng cấm nhập không đảm bảo chất lượng của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thiết lập một cơ chế kiểm soát riêng và cụ thể chuyên thẩm định chất lượng các mặt hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ nước này, phòng tránh những nguy cơ mất an ninh cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo thông tin của Cục QLTT Lạng Sơn, hiện nay, phía Trung Quốc đã tiến hành rào 113 điểm, trải dài tại nhiều tuyến đường biên giới để ngăn chặn hàng Việt vào nội địa nhưng lại mở lối mòn xuất ngược Việt Nam.

Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước tính trị giá hàng hoá tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng. Trong đó, phần nhiều là các sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Thanh Phong
Tags:
Cùng chuyên mục