Băn khoăn Luật giao dịch điện tử: Lo lộ thông tin cá nhân, bí mật Nhà nước và bí mật kinh doanh bị chiếm đoạt

PVKT Thứ sáu, ngày 11/11/2022 11:33 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội băn khoăn, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ, lọt và bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Vậy thì có hợp lý không khi đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh?
Bình luận 0

Cần nghiêm cấm hành vi làm lộ thông tin cá nhân

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng nay (11/11), đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.

"Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này", ông Cường nêu.

Lo lộ thông tin cá nhân, bí mật nhà nước và bí mật kinh doanh bị chiếm đoạt - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.

"Vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm", ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, hiện nay đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.

Vì vậy, ông Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Lo lộ lọt, bị chiếm đoạt thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh khi thực hiện giao dịch điện tử

Cùng tham gia góp ý vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng bày tỏ còn một số băn khoăn đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật cho rằng, việc mở rộng nay là cần thiết khi hiện nay công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu một là tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi chuyển đổi số của đất nước.

Lo lộ thông tin cá nhân, bí mật nhà nước và bí mật kinh doanh bị chiếm đoạt - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa với 2 mục tiêu trên, vấn đề đặt ra liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không? Đại biểu bày tỏ băn khoăn thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.

Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm nguồn lực về hạ tầng công nghệ thông tin, con người thì liệu có bảo đảm được bố trí đủ kinh phí cho lộ trình xây dựng nâng cấp các hệ thống hiện tại.

Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Vậy thì có hợp lý không khi đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào? - đại biểu đặt vấn đề.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Để từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho ý kiến về nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử và về chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem