Bản người Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) làm du lịch cộng đồng, diện mạo thay đổi đến ngỡ ngàng

Thanh Tuyền Thứ tư, ngày 03/04/2024 15:43 PM (GMT+7)
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, đồng bào dân tộc Sán Chỉ, xã Đại Dực được huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Bình luận 0

Thí điểm mô hình du lịch cộng đồng

Cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 30km, xã Đại Dực có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Sán Chỉ chiếm hơn 80%. Cách đây khoảng 10 năm, Đại Dực được biết đến là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn, những người lam lũ, những con đường lầy lội... 

Thế nhưng, đến nay Đại Dực đã khoác trên mình diện mạo mới khiến bất kỳ ai không khỏi ngạc nhiên bởi những đổi thay ở vùng đất này.

Bản người Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) làm du lịch cộng đồng, diện mạo thay đổi đến ngỡ ngàng- Ảnh 1.

Ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ này được sửa chữa, cải tạo làm mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Hoàn

Đến Đại Dực giờ đây, du khách không chỉ có thể ngắm nhìn ruộng bậc thang tuyệt đẹp, khám phá thác Nặm Vằn, đồi Tình, nhà cổ của người Sán Chỉ, mà còn được trải nghiệm lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ, thưởng thức điệu hát Soóng Cọ làm say đắm lòng người. 

Nhằm khai thác những tiềm năng sẵn có, từ cuối tháng 1/2024, xã Đại Dực đã có kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại thôn Khe Lục.

Ngày 15/3 vừa qua, mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên chính thức đi vào vận hành. Homestay do 6 hộ gia đình Sán Chỉ tại thôn Khe Lục cùng nhau sửa chữa, cải tạo và đón khách du lịch.

Bản người Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) làm du lịch cộng đồng, diện mạo thay đổi đến ngỡ ngàng- Ảnh 2.

Du khách đến trải nghiệm nhà truyền thống của người Sán Chỉ tại Đại Dực, huyện Tiên Yên. Ảnh: Thanh Tuyền

Ngôi nhà vẫn giữ nguyên những nét truyền thống của nhà sàn Sán Chỉ, sàn gỗ, chung quanh đắp gạch đất, mái lợp ngói âm dương. Phía trước hai bên cửa chính được làm bổ sung hai chái nhỏ để nông cụ. Tường rào sân, vườn nhà được kê xếp đá mà không cần vữa xây, trát. Ngôi nhà gồm 5 phòng ngủ với sức chứa 18 người, ngoài ra còn sân rộng là nơi giao lưu biểu diễn hát Soóng Cọ, múa Tắc Xình, đánh quay…

Anh Nình A Lộc – chủ ngôi nhà cho biết: "Chúng tôi được vận động sửa chữa, cải tạo khu vực nhà chính, khu vực sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi; trồng thêm các cây xanh, cây hoa tạo cảnh quan, không gian tạo nét riêng cho từng nhà…".

Chị Sằn Móc Phúc - thành viên quản lý homestay cũng cho biết, ghé homestay, du khách sẽ được trải nghiệm nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm thuốc và thưởng thức các món ăn, sản phẩm OCOP tại địa phương và giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc. 

Cũng theo chị Sằn Móc Phúc, homestay mới chỉ bước đầu thí điểm hoạt động. Sau một thời gian, các hộ gia đình sẽ rút kinh nghiệm. Không gian đậm bản sắc văn hóa của người Sán Chỉ cùng sinh hoạt truyền thống gắn với cuộc sống của người dân nơi đây, đã tạo nên sức hút cho điểm đến này.

Bản người Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) làm du lịch cộng đồng, diện mạo thay đổi đến ngỡ ngàng- Ảnh 3.

Du khách đến homestay được thưởng thức những điệu Soóng Cọ say lòng người do chính người dân bản địa biểu diễn. Ảnh: Thanh Tuyền

Anh Đức Lương (du khách đến từ Hạ Long) chia sẻ, anh cảm thấy rất phấn khích với những cảnh đẹp, với những văn hóa nơi đây. Đặc biệt, anh được đắm mình trong không khí ở đây, cảm giác mọi thứ rất tuyệt vời.

Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên cho biết, ngôi nhà truyền thống được sửa chữa, cải tạo làm homestay là một ngôi nhà đã có từ lâu đời ở Đại Dực, còn giữ nguyên những nét nguyên bản nhất của nhà sàn người Sán Chỉ.

"Tiên Yên được coi là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc, có nhiều tiềm năng lợi thế, giá trị khác biệt để phát triển du lịch. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, bố trí nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến hình ảnh, tạo động lực cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Thời gian tới, huyện Tiên Yên sẽ tăng cường đẩy mạnh du lịch cộng đồng thông qua việc nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc", ông Thắng khẳng định.

Gắn kết văn hóa với du lịch cộng đồng

Trong khi đó, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, để mô hình du lịch cộng đồng khác biệt và bền vững cần phải đảm bảo không chỉ phản ánh đúng bản sắc văn hóa, lối sống truyền thống của cộng đồng địa phương, mà còn tạo ra cơ hội cho du khách có thể tương tác và trải nghiệm trực tiếp với cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương.

Qua khảo sát mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại xã Đại Dực, ông Phạm Hải Quỳnh nhận định, mô hình du lịch cộng đồng ở đây đáp ứng được những điều đó, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa, trải nghiệm uộc sống đời thường của người dân…

Bản người Sán Chỉ ở Tiên Yên (Quảng Ninh) làm du lịch cộng đồng, diện mạo thay đổi đến ngỡ ngàng- Ảnh 4.

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đòi hỏi chú trọng đặc biệt đến bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc cộng động. Ảnh: Thanh Tuyền

"Với những giá trị tiềm năng, tôi nghĩ Tiên Yên hoàn toàn có thể tự tin từng bước đưa giá trị văn hóa của mình lên một tầm cao hơn, biến nó trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với Quảng Ninh" – ông Phạm Hải Quỳnh đánh giá.

Những năm qua, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển nông thôn mới cũng như khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, huyện Tiên Yên đã chủ động xây dựng các đề án về bảo tồn, du lịch; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh; đẩy mạnh truyền thông du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, ẩm thực bản địa…

Trên địa bàn huyện những năm gần đây cũng có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm: Thác Pạc Sủi, chợ phiên vùng cao Hà Lâu, trang trại sinh thái Family ecozone, bãi tắm Lòng Vàng (Cái Mắt Lẻ)… 

Qua đó không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức của người dân địa phương về lợi ích, hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn xanh, sạch, đẹp, phát triển nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết, du lịch cộng đồng của Tiên Yên đang ở giai đoạn mới phát triển. Huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; chú trọng việc bảo tồn văn hóa, thiên nhiên, môi trường, gắn kết người dân bản địa phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng mang bản sắc địa phương; tiếp tục tập trung những giải pháp mang tính đột phá, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển du lịch tại Tiên Yên.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem