Bán vườn cao su khi giá mủ đang tăng

Thứ năm, ngày 04/08/2016 15:26 PM (GMT+7)
Hiện nay giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với cuối vụ năm ngoái, nhiều người ép cao su ra mủ...
Bình luận 0

img

Vườn cao su của bà Trương Thị Bảy ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) được kêu bán

Hiện nay giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với cuối vụ năm ngoái, nhiều người ép cao su ra mủ nhưng nhiều người không đủ chi phí đầu tư trong thời gian “nuôi” vườn cao su. Vì vậy nhiều người trồng cao su ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên) kêu bán vườn cao su.

Ép cao su ra mủ

Ông Đinh Văn Quang, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), loay hoay trút mủ cao su với tâm trạng buồn bã, nói: Tôi trồng 2ha cao su đã 10 năm tuổi, mùa thu mủ này trung bình mỗi ngày 1ha trút được 40kg mủ, bán với giá 10.000 đồng/kg, thu được 400.000 đồng.

Đáng lý ra vườn cao su của tôi một đêm cạo, hai đêm nghỉ nhưng tôi “tăng tốc” cạo cách đêm, như vậy một tháng tôi trút 15 lần mủ thu 6 triệu đồng, trong khi đó tiền thuê công cạo mủ mất hết 2 triệu đồng, đó là công trút mủ gia đình tự lo còn nếu thuê công cạo và trút mủ nữa thì tiền thu từ mủ cao su còn lại không đáng là bao.

Còn bà Trương Thị Bảy ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), than vãn: Cách nay 10 năm, tôi vay Ngân hàng NN-PTNT, trồng 7ha cao su tiểu điền, với giá mủ như năm nay có tăng như tính ra không đủ tiền đi chợ nói chi đến trả ngân hàng.

Trong khi đó mấy năm gần đây giá mủ cao su liên tục xuống thấp nên hiện nay còn nợ ngân hàng với số tiền 300 triệu đồng, không biết đến khi nào mới trả nổi. Vùng này có người trồng sắn, mía đắp đổi cho cây cao su, riêng tôi chỉ đầu tư cây cao su nên chỉ còn cách ép cao su cho mủ bằng cách thu hoạch cách đêm nhưng vẫn không có tiền trả nợ ngân hàng.

Theo nhiều người trồng cao su ở xã Sơn Định, thông thường đến tháng 5 là thời điểm bắt đầu thu hoạch rộ mủ cao su.

Tuy nhiên, những ngày này, tại các vườn trồng cao su ở xã Sơn Định, Sơn Long trên các tô đựng mủ người trồng cao su không màng đầu tư mái che nên khi gặp mưa nước chảy đầy tô trộn với mủ rồi cứ thế tràn ra ngoài.

Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, nông dân 2 xã Sơn Long và Sơn Định đã tham gia dự án đa dạng hóa nông nghiệp, trồng cao su tiểu điền từ năm 2001 đến năm 2006 được 469,7ha. Trong đó, xã Sơn Long 267,9ha, Sơn Định là 201ha.

Được Ngân hàng NN-PTNT huyện cho vay vốn để phát triển cây cao su. Từ 2010 - 2013, mủ cao su được giá, cây cao su đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân vùng dự án rất hưởng ứng mục tiêu dự án phát triển cây cao su tiểu điền.

img

 Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) tham gia dự án cao su tiều điền được tập huấn cạo mủ

Trong thời gian đó nhiều hộ nông dân đã mua chuyển nhượng một số diện tích cao su tiểu điền để kinh doanh, khai thác mủ. Thế nhưng từ năm 2014 đến nay mủ cao su liên tục rớt giá, giá bán không bằng chi phí đầu tư nên bà con không chăm sóc, không thu hoạch, từ đó không có tiền để trả ngân hàng.

Kêu bán vườn cao su

Ông Trần Văn Chinh, ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), kể: Tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng tranh thủ đi cạo mủ cao su vì thời điểm đó nhiệt độ thấp cạo miệng cho ra mủ tốt, còn cạo ban ngày thời điểm nhiệt độ cao sẽ hàn mặt. Thức đêm như vậy mà tính ra trồng cao su vẫn lỗ nên mấy tháng gần đây, tôi kêu bán vườn cao su nhưng không ai mua.

Tương tự, ông Đinh Văn Dũng, một người trồng cao su ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) cũng cho hay: Tôi có 2ha cao su, thời điểm giá mủ trên 30.000 đồng/kg, có người hỏi mua 800 triệu đồng, nay tôi kêu bán 250 triệu đồng, hai năm nay chưa có ai trả đồng nào.

Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 3.999ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, trong đó 672ha trồng mới trong năm 2013. Trong số diện tích trên thì diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền 1.800ha, số còn lại nhân dân tự trồng.

Đối với dự án Phát triển cao su tiểu điền, nông dân tham gia dự án được vay vốn dài hạn từ 18 - 20 năm, với lãi suất 0,81%/tháng.

Có 8 năm ân hạn (chưa phải trả lãi và vốn trong 8 năm đầu), chỉ trả từ năm thứ 9 trở đi, mỗi năm trả 25% tổng giá trị sản lượng mủ từ cây cao su, 75% còn lại cho tái sản xuất và chi phí gia đình. Thế nhưng trong những năm gần đây do ảnh hưởng chung của thị trường cao su thế giới và trong nước, giá mủ cao su liên tục hạ xuống thấp, người trồng cao su không có lãi.

Để giải quyết tình trạng “nợ” cây cao su, theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đối với những vườn cao su sinh trưởng phát triển tốt và trung bình đang thời kỳ kinh doanh, sở khuyến cáo giảm đầu tư phân bón, thay chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3 - 4 ngày/lần để kéo dài tuổi thọ cây, chờ mủ lên giá.

Đối với vườn cao su kém phát triển đề nghị UBND huyện thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, lập biên bản trình UBND tỉnh đề nghị các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, đề xuất ngân hàng có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ vay.

Riêng diện tích ngoài vùng quy hoạch nông dân tự trồng trên đất xấu, địa phương cũng sớm có chính sách khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp để tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.

La Hai (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem