Bảo hiểm Agribank: Bảo vệ người nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững
Bảo hiểm Agribank: Bảo vệ người nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững
Kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã tạo động lực phát triển mới và mạnh mẽ cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm; tạo thế cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm; góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua.
Để phát triển kênh bancassurance, đặc biệt là phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia trong khu vực đầy khó khăn như Tam nông, Bảo hiểm Agribank bắt buộc phải tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật. Agribank cũng đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bảo hiểm Agribank, lấy kênh bancassurance cung cấp cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn làm trọng tâm, làm trung tâm để cho cả hai bên cùng quan tâm phát triển. Qua đó triển khai thành công chính sách phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng.
Mục tiêu của các sản phẩm bảo hiểm mà Bảo hiểm Agribank triển khai chỉ tập trung vào 2 thuộc tính. Đó là, bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua dòng vốn tín dụng vào ngành nông nghiệp; hai là khi người dân, người nông dân đến vay vốn Agribank mà không may có tổn thất về tài sản hoặc về tính mạng, sức khỏe thì đã có Bảo hiểm Agribank thay mặt để trả nợ gốc và lãi vay cho Agribank.
Đồng thời, người nông dân và người dân đó lại có điều kiện về hạn mức tín nhiệm để được tái vay vốn. Đây là điều giúp Bảo hiểm Agribank bảo vệ để tệp khách hàng của mình luôn luôn tăng trưởng và phát triển, đồng thời cũng giúp cho việc cung vốn tín dụng khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được bền vững.
Thực tế ngày 17/1/2024, Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) Chi nhánh Đà Nẵng đã phối hợp với Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chi trả 11,269 tỷ đồng, quyền lợi bảo hiểm cháy nổ cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại EPS Miền Trung ở xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Trương Viết Loan – Giám đốc Bảo hiểm Agribank Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại EPS Miền Trung là khách hàng truyền thống của Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy sản xuất EPS Miền Trung của công ty được thế chấp để vay vốn tại Agribank Chi tỉnh Quảng Ngãi. Tài sản này đã được công ty tham gia mua bảo hiểm cháy nổ tại Bảo hiểm Agribank Chi nhánh Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 10/02/2023 hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà máy sản xuất EPS Miền Trung. Hậu quả, toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và hàng hóa tại khu xưởng sản xuất bị thiêu rụi. Sau khi hỏa hoạn xảy ra, Bảo hiểm Agribank đã nhanh chóng có mặt thực hiện trách nhiệm của mình, với các thủ tục như: tổ chức giám định sơ bộ, thuê giám định độc lập để đánh giá mức độ tổn thất, xác định giá trị thiệt hại và mức trách nhiệm của Bảo hiểm Agribank.
Bảo hiểm Agribank cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại EPS Miền Trung tạm ứng trước số tiền 4 tỷ đồng, cùng với vốn tự có của công ty, đơn vị đã tiến hành khắc phục hậu quả nhanh chóng. Đến nay, Bảo hiểm Agribank đã thực hiện trách nhiệm của mình là bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại EPS Miền Trung với tổng số tiền là 11,269 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Lư - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại EPS Miền Trung cho biết: Sau sự cố xảy ra, Bảo hiểm Agribank đã rất chuyên nghiệp để xử lý sự cố. Bảo hiểm Agribank đã nhanh chóng chi tiền tạm ứng và đến thời điểm này đã giải quyết bồi thường đầy đủ cho công ty khắc phục hậu quả hỏa hoạn. Với sự hỗ trợ tạm ứng kịp thời của Bảo hiểm Agribank, cùng nguồn vốn tự có của công ty mà đến nay công ty đã cơ bản khắc phục sự cố, tập trung thi công xây dựng lại nhà xưởng, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đây chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện nhân văn mà những cán bộ Bảo hiểm Agribank đã và đang viết nên. Mới đây nhất, Bảo hiểm Agribank CN Thanh Hóa phối hợp cùng Agribank Hậu Lộc, Bắc Thanh Hóa và chính quyền địa phương đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khách hàng Bùi Văn Thụy tại xã Đa Lộc - huyện Hậu Lộc số tiền 122.000.000 đồng. Hay cho khách hàng Nguyễn Đức Trọng tại xã Nga Vịnh - huyện Nga Sơn số tiền 92.000.000 đồng. Bảo hiểm Agribank CN Nghệ An phối hợp cùng các Tổng Đại Lý Agribank trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và chính quyền địa phương đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng. Trong đó tại Agribank Tỉnh Nghệ An là 19 trường hợp với số tiền chi trả: 1.193.430.000 đồng; Tại TĐL Agribank Tây Nghệ An là 29 trường hợp với số tiền chi trả 926.044.533 đồng...
Chi trả bồi thường trên 5.100 tỷ đồng cho gần 300.000 khách hàng vay vốn tại Agribank
Tại Bảo hiểm Agribank lĩnh vực bảo hiểm chủ yếu là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mức độ rủi ro cao và theo dòng vốn tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn của Agribank. Đây cũng là khu vực mà các doanh nghiệp BH khác chưa mặn mà triển khai do chi phí cao, hiệu quả thấp. Tuy nhiên với các lợi thế đặc biệt về hệ thống, mạng lưới Bảo hiểm Agribank đã và đang cung cấp hàng triệu hợp đồng bảo hiểm đến khách hàng nhỏ lẻ thuộc khu vực này và đang tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm khác, góp phần cùng Agribank triển khai chính sách tín dụng cho khu vực Tam nông theo Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH TW Đảng (khóa X).
Lũy kế đến 31/12/2023, Bảo hiểm Agribank đã chi trả bồi thường cho gần 300.000 khách hàng vay vốn tại Agribank với số tiền đã chi trả là trên 5.100 tỷ đồng qua đó góp phần bảo vệ dòng vốn tín dụng và cơ sở khách hàng của Agribank. Số tiền bồi thường đã giúp khách hàng có nguồn tài chính để tái sản xuất kinh doanh khi gặp rủi ro, không bị xử lý tài sản hoặc phát sinh nợ xấu, vì vậy có thể tiếp tục duy trì điều kiện vay vốn tại Agribank. Có thể thấy, hoạt động chi trả bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank đã góp phần ổn định đời sống tinh thần và kinh tế của khách hàng, đồng thời bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết 19-NQ/TW về phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Agrribank và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm cung cấp tín dụng vào khu vực này. Để triển khai nghị quyết của Đảng và để bảo vệ nguồn vốn tín dụng cần phải có nhiều giải pháp để quản lý rủi ro trong đó bảo hiểm là một công cụ hữu hiệu có thể phân tán rủi ro trên toàn thế giới thông qua phương thức tái bảo hiểm. Tuy nhiên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, thiếu sự hợp tác, liên kết nên việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến từng hộ nông dân rất khó khăn. Do vậy cần phải có một cơ chế đặc thù có thể vận dụng nhiều phương thức bán hàng để không bị coi là ép buộc phải mua bảo hiểm khi vay vốn.
Một số hình ảnh chi trả cho khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank