Bão số 5 Côn Sơn sắp đổ bộ vào miền Trung, những tỉnh nào nằm trong tâm bão?

Triệu Quang Thứ bảy, ngày 11/09/2021 18:27 PM (GMT+7)
Bão Côn Sơn gió giật cấp 11 vẫn đang di chuyển hướng vào các tỉnh Trung Bộ, gây mưa to, gió lớn nhiều nơi trên đất liền.
Bình luận 0

img

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 5 Côn Sơn. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Bão số 5 khả năng sẽ suy yếu khi vào gần bờ

Chiều nay (11/9), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn với 5 tỉnh ở miền Trung để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 5 Côn Sơn.

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 16 giờ chiều 11/9, bão số 5 đang ở cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (65-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h, nằm ngay trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Hiện do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Ông Khiêm cho biết thêm, đến nay, các dự báo quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hồng Kông vẫn có một số khác biệt nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung các dự báo đều cho thấy, bão số 5 sẽ đi vào khu vực Trung Trung Bộ trong khoảng thời gian từ sáng đến trưa mai (12/9), cường độ bão suy yếu khi vào sát bờ.

“Dựa trên các tính toán, chúng tôi nhận định,khu vực chịu tác động của tâm bão số 5 tập trung vào các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện tâm bão vẫn đang ở ngoài biển nhưng toàn bộ hệ thống mây của hoàn lưu bão đã kéo vào bên trong, gây mưa cho các tỉnh từ đêm qua”, ông Khiêm chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, trên đất liền, thời gian có gió mạnh từ chiều nay đến trưa mai (12/9). Khu vực ảnh hưởng trực tiếp vùng ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với gió mạnh cấp 7, vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10.

Từ nay đến ngày 13/9 mưa tập trung trọng tâm ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với lượng mưa dự kiến 200-300mm; Quảng Trị, Quảng Bình lượng mưa từ 150-200mm.

Đỉnh lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức báo động (BĐ) 1 và trên BĐ1; các sông từ Hà Tĩnh đến Huế lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2.

Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số khu vực có thể xảy ra nguy cơ ngập cục bộ, tập trung vào TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.

Một số huyện ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Sẵn sàng huy động hơn 530.000 người ứng phó bão

img

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 5.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 11/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.500 phương tiện/349.088 lao động, trong đó có 89 tàu hoạt động ven bờ trên vùng biển từ Hà Tĩnh - Bình Định đang di chuyển về bờ; hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu chuẩn bị ứng phó với cơn bão này. Trong đó, Quân khu 4 và 5 là hai đơn vị trọng điểm ở nơi bão vào đang triển khai nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, ứng phó bão.

Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt trong đó có 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.100 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng...

Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch COVID-19.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, bão số 5 Côn Sơn có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung – nơi đang có hàng ngàn ca nhiễm COVID-19, đây là thách thức lớn.

Do đó, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng bão cần theo dõi sát dự báo, hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó.

Đảm bảo luồng xanh ưu tiên xe phòng chống thiên tai; Yêu cầu đưa hết các thuyền viên phải lên bờ, đảm bảo an toàn chỗ ăn ở và test nhanh COVID-19 theo yêu cầu.

Ngoài ra cũng cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão; Không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; Sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét sạt lở đất.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem