Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến check-in mỗi ngày?

Mai Dung- Vân Anh Thứ năm, ngày 07/04/2022 08:41 AM (GMT+7)
Bảo tàng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) có thiết kế hình xoắn ốc khổng lồ, cùng với đó là tông màu nâu đất nung chủ đạo đã thu hút đông đảo người dân, du khách ... đến check-in mỗi ngày.
Bình luận 0


Kiến trúc độc đáo của bảo tàng gốm Bát Tràng. Clip: Vân Anh - Mai Dung

Vẻ đẹp độc đáo ngay từ bên ngoài bảo tàng gốm Bát Tràng

Những ngày gần đây, bảo tàng gốm Bát Tràng trở thành từ khóa khá "hot" trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều trong các khung hình sống ảo của người dân Thủ đô. Công trình này thuộc dự án "Tinh hoa làng nghề Việt" do Văn phòng kiến trúc của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế từ năm 2018, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 3.300 m2 thuộc thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (ven sông Bắc Hưng Hải) với tổng số vốn đầu tư ước tính 150 tỷ đồng.

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 1.

Bảo tàng gốm Bát Tràng, công trình kiến trúc hình xoắn ốc khổng lồ vô cùng độc đáo và đẹp mắt. Ảnh: Vân Anh

Bắt đầu từ tháng 6/2021, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng được tạo dựng với bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một công trình độc đáo. 

Cấu trúc của bảo tàng theo lối lớn dần lên phía trên, nhưng vẫn tạo thế vững chãi và chắc chắn. Công trình được lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay - một công cụ quen thuộc và không thể thiếu đối với người dân làng gốm. Ở một góc nhìn khác lại thấy đây giống như hình ảnh lò bầu nung gốm cổ khổng lồ của người Bát Tràng xưa.

Khi bước chân vào bảo tàng, điều ấn tượng nhất chính là thiết kế hình xoắn ốc khổng lồ. Tiếp sau đó là màu đất nung là tông màu chủ đạo, đây cũng màu sắc đặc trưng của những viên gạch nung, mái ngói cổ truyền, mang đến cảm giác vừa cổ kính lại xen lẫn hiện đại.

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 3.

Khu vực bên trong tầng 1 của bảo tàng, nơi rất nhiều khu khách thích thú check-in, chụp hình lại làm kỷ niệm khi đến bảo tàng tham quan, vui chơi. Ảnh: Mai Dung

Với thiết kế độc đáo này, các kỹ sư phải sử dụng bê tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng có tải trọng không lớn nhưng lại có thể chịu được lực một cách rất hiệu quả để tạo độ cong mềm mại trong tổng thể.

Bên cạnh đó, những sản phẩm đặc trưng của làng gốm Bát Tràng cũng được tận dụng vô cùng hiệu quả để tạo nên những khung cảnh rất riêng.

Anh Vũ Văn Kỳ - quê Ninh Bình, quản lý bảo tàng cho hay, những ngày thường, bảo tàng đón khoảng vài trăm lượt khách. Còn vào những ngày cuối tuần, hơn nghìn lượt khách đến bảo tàng tham quan, chụp hình mỗi ngày.

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 4.

Mỗi ngày nơi đây thu hút vài trăm lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Ảnh: Vân Anh

"Hiện tại, chỉ tính chi phí bên ngoài bảo tàng thôi đã mất tầm 150 triệu đồng, còn tổng chi phí bên trong như: chi phí vận hành, nội thất, hệ thống âm thanh ánh sáng... phải lên đến con số 450 triệu đồng. Vài tuần trở lại đây, có rất đông khách tìm đến bảo tàng tham quan, chụp hình lưu lại khoảnh khắc trước kiến trúc độc đáo này", anh Kỳ chia sẻ.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc làm từ gốm trưng bày ở bảo tàng

Bảo tàng gốm Bát Tràng có tổng cộng 5 tầng, với thiết kế vô cùng đồ sộ, mỗi tầng đều chứa đựng những điều thú vị thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và khám phá.

Anh Vũ Văn Kỳ kể rằng, tầng hầm là nơi dành cho du khách trải nghiệm việc tự nặn, vẽ gốm từ những vật dụng thô sơ nhất, tầng 1 là nơi thăm quan các gian hàng gốm trưng bày.

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 5.

Khu tầng hầm là nơi mọi người được trải nghiệm tự nặn, vẽ gốm từ những vật dụng thô sơ nhất do chính các nghệ nhân ở đây hướng dẫn tận tình. Ảnh: Mai Dung

Còn tầng 2 là nơi bảo tàng bày các sản phẩm làm từ gốm. Tầng 3 là nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Bát Tràng. Tầng 4 là nơi check-in và cà phê, tầng 5 là nơi du khách được thưởng thức, ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

"Khi đến đây, bạn có thể chiêm ngưỡng được đầy đủ các dòng men từ cổ đại đến hiện đại, cảm nhận sự thay đổi về màu sắc, hình dáng cũng như các họa tiết trang trí trên các sản phẩm gốm Bát Tràng", anh Kỳ chia sẻ.

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 6.

Rất nhiều em nhỏ thích thú khi được trải nghiệm tô vẽ trên các sản phẩm làm từ gốm. Ảnh: Vân Anh

Theo anh Kỳ, điều đặc biệt nhất ở tầng 5, đây là nơi đầu tiên tại Việt Nam trưng bày những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân Bùi Văn Tự - nghệ nhân đầu tiên tại Việt Nam đi theo lĩnh vực này.

Chị Nguyễn Thu Phương (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng nhóm bạn tới bảo tàng gốm sứ Bát Tràng tham quan vào dịp cuối tuần, bày tỏ: "Khi đến đây tôi đã bị thu hút bởi công trình kiến trúc độc đáo của tòa nhà, không những vậy tôi được hiểu hơn về chiều sâu văn hóa của làng nghề gốm sứ lâu đời, tự tay nặn những sản phẩm gốm của riêng mình, đúng là một trải nghiệm thú vị".

Bảo tàng gốm Bát Tràng 150 tỷ đồng có gì đặc biệt mà khách nườm nượp kéo đến checkin mỗi ngày? - Ảnh 7.

Chân dung nghệ nhân Bùi Văn Tự - nghệ nhân đầu tiên tại Việt Nam đi theo lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc ánh sáng tại Việt Nam. Ảnh: Mai Dung

Dự kiến ngày 30/4 và 1/5/2022, bảo tàng gốm Bát Tràng sẽ mở cửa khai trương tầng 2 và 3 đón những lượt khách đầu tiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem