Bảo tàng trưng bày khoảng sân... ủ phân chuồng

Thứ hai, ngày 23/07/2012 11:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngôi nhà của chủ trang trại tại Bảo tàng Nông nghiệp ở Đức thậm chí còn giữ nguyên được cả những khoảng sân rộng ủ đầy phân chuồng (y như một số vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay)...
Bình luận 0

Nằm cách TP.Numberg khoảng 50km, Bảo tàng Nông nghiệp ngoài trời Frankisches Feilandmuseum nổi tiếng bởi có hàng vạn hiện vật được thể hiện sống động về đời sống nông dân, nông thôn Đức từ 150 năm trở về trước và cả ngày nay.

Mô phỏng chính xác thực tế

Người hướng dẫn viên già Heinrich Butter bắt đầu làm việc tại bảo tàng từ những ngày đầu thành lập (1981). Ông cho biết, Frankisches Feilandmuseum được thiết kế trên nền một ngôi làng cổ, đã có sẵn một quán ăn gần 500 tuổi và liền kề đó là một xưởng bia. Sau đó, những người làm công tác sưu tầm đã đi khắp các vùng nông thôn nước Đức để đưa các mẫu nhà ở nông thôn, các hình thức sản xuất tự sản tự tiêu về trưng bày ở đây.

img
Học sinh Đức tham quan một ngôi nhà cổ trong bảo tàng.

Quanh khu trung tâm- gần quán ăn, có tới hơn chục mẫu nhà của các cư dân điển hình vùng nông thôn như nhà ở của chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt, người làm nghề rèn, mục sư... Chất liệu làm các ngôi nhà này thường là gỗ, đá với độ bền nhiều thế kỷ.

Ông Heinrich Butter tận tình giới thiệu chủ nhân của từng ngôi nhà, chẳng hạn nhà ở của vị mục sư kiêm giáo viên được xây dựng cách đây hơn 200 năm với 2 tầng lầu. Vị này có tới 10 đứa con và chịu trách nhiệm dạy dỗ trẻ con trong vùng. Vì vậy, ngôi nhà có rất nhiều phòng, trong đó có một phòng học rộng chừng 30m2. Phòng học vừa giữ được vẻ cổ xưa với bàn tính cổ, các giáo cụ dạy học và bảng viết chữ cổ. Nhưng ở đây cũng có các thiết bị hiện đại hỗ trợ, chẳng hạn trước cái bảng viết chữ cổ có một chiếu các mẫu tự chữ của Đức thời xưa với giọng đọc ê a của học trò.

Những ngôi nhà của chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt thì thậm chí còn giữ nguyên được cả những khoảng sân rộng ủ đầy phân chuồng (y như một số vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay). Trong chuồng có lợn, có bò, dê, cừu...

Trên bậu cửa là những người thợ ngồi khâu vá yên ngựa, giày dép. Trong các nhà kho trưng bày các công cụ làm việc của nông dân... Điểm đặc biệt là các ngôi nhà đều có những khu vườn nhỏ, mô phỏng chính xác những gì nông dân Đức xưa hay trồng, ví dụ như cây thuốc lá, các loại rau có thể muối hoặc trữ qua mùa đông.

Bảo tàng “sống”

Khác với những bảo tàng khác- hiện vật thường được trưng bày tĩnh, Bảo tàng Frankisches Feilandmuseum thực sự là một thực thể sống động. Chẳng hạn như tại quán Kommun Brauhaus- quán ăn được xây dựng từ năm 1518, hiện đang phục vụ khách bình thường.

Quán vẫn bài trí y như xưa và giữ nguyên cả phòng ở của chủ quán với các đồ dùng cũ kỹ. Pauline Ysort - cô hầu bàn trẻ măng cho biết, quán này giờ thuộc sở hữu của bảo tàng, mỗi ngày phục vụ khoảng hơn 100 khách. “Nhiều thứ dao, nĩa, cốc chén, bàn ghế... đều có tuổi đời cả trăm năm"- Pauline nói.

Xưởng bia cổ cạnh đó cũng vẫn hoạt động, đỏ lửa nấu bia mỗi ngày. Ông Viece Grupe- người phụ trách nấu bia tại xưởng hào hứng giới thiệu với chúng tôi một loại thảo dược có tên Hopfen, dùng để làm men bia tạo mùi thơm rất đặc trưng của bia Đức. Và chúng tôi được thưởng thức ngay những cốc bia mới nấu theo cách thức mà vài trăm năm trước đây nông dân Đức từng nấu.

Bảo tàng Frankisches Feilandmuseum bán vé vào cửa 5euro/người (ngày thường), 6euro/người (ngày cuối tuần); các gia đình đi đông người được giảm giá (9 euro/gia đình), trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí.

Những ngày cuối tuần, bảo tàng cũng tổ chức các buổi biểu diễn lễ hội, các hoạt động văn hóa xưa. Tất cả các giống cây trồng, vật nuôi mà bảo tàng lưu giữ cũng hiện hữu sống động trên các cánh đồng. Trong bảo tàng có khu vực trồng khoảng hơn 40 loại thảo dược cổ, dùng làm thuốc, làm mỹ phẩm cho phụ nữ nông thôn xưa.

Du khách có thể sờ, ngửi và được giới thiệu kỹ cách thức sử dụng từng loại cây. Các giống lúa mạch, kiều mạch, khoai tây cũng được trồng trưng bày trên các cánh đồng xung quanh bảo tàng. Và sau đó, các loại lúa lại được trưng bày (ở dạng thành phẩm) trong một khu nhà của một người thợ xay bột xây năm năm 1831 với hệ thống cối xay bằng sức nước khổng lồ được sưu tầm từ thành phố Stuttgart.

Nông thôn nước Đức giờ thay đổi chóng mặt, đời sống ngang bằng, thậm chí hơn cả dân thành thị. Nông dân Đức cập nhật và ứng dụng nhanh khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Dẫu vậy, đời sống nông thôn trong quá khứ vẫn là những gì người dân muốn tìm hiểu, nhất là học sinh.

Ông Buttner cho biết: "Trung bình, bảo tàng đón khoảng 200.000 khách/năm. Bảo tàng giúp người Đức hiểu mình được kế thừa gì từ nông thôn trong quá khứ và phải làm gì cho sự phát triển trong tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem