Bắt đáy FTM: Nhà đầu tư hãy nhìn "thảm kịch" Yeah1

01/10/2019 13:47 GMT+7
Sau 30 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM tăng trần 3 phiên nhờ lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, nhà đầu tư hãy nhìn vào "thảm kịch" đã xảy ra với Yeah1.

Nhà đầu tư bắt đáy FTM

Trong tháng 8 và tháng 9/2019, có lẽ FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân đã trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán. Trong ngày 15/8, FTM mở màn cho chuỗi ngày giảm sàn tưởng chừng kéo dài đến vô tận. Tuy nhiên, rất "may mắn", chuỗi ngày "thảm kịch" đó dừng lại ở con số 30.

Sau 30 phiên giảm sàn, giá cổ phiếu FTM giảm 20.860 đồng/CP, tương ứng 88,2%. Vốn hóa thị trường Đức Quân "bốc hơi" 1.043 tỷ đồng chỉ còn gần 140 tỷ đồng.

Có rất nhiều lý do khiến FTM "vô địch" về chuỗi ngày giảm sàn trong năm 2019. Thứ nhất, FTM khiến cổ đông thất vọng khi có 2 quý liên tiếp thua lỗ. Khoản thua lỗ trong quý 1 và quý 2/2019 của FTM lần lượt là 14,4 tỷ đồng và 16,7 tỷ đồng.

Bắt đáy FTM: Nhà đầu tư hãy nhìn "thảm kịch" Yeah1 - Ảnh 1.

Cổ phiếu FTM đang được bắt đáy

Giải thích cho kết quả kinh doanh bết bát này, FTM cho biết công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung vì thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Cuộc chiến thương mại này đã khiến FTM giảm sâu về cảnh doanh thu và giá bán. Nên thua lỗ là điều tất yếu xảy ra.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất đẩy FTM vào "thảm cảnh" này chính là việc FTM bị cắt margin. Ngày 16/8/2019, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quý do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm.

Sau 30 phiên giảm sàn liên tiếp, FTM đã đảo chiều, tăng trần trong ngày 27/9. Trong ngày hồi phục, thanh khoản FTM tăng vọt, đạt tới gần 4,8 triệu đơn vị dù các phiên trước đó khối lượng giao dịch chỉ đạt từ 43.800 đồng/CP tới 542.340 đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên của FTM chỉ là 376.365 đơn vị.

Tính tới ngày 1/10, FTM đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp. Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư bán hoàn toàn trống trơn. Còn phía dư mua, lệnh mua giá trần thường xuyên dao động quanh mức 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành của FTM chỉ là 50 triệu đơn vị. Điều đó cho thấy lực cầu bắt đáy FTM rất mạnh.

"Thảm kịch" Yeah1

Hiện tại, lực cầu bắt đáy FTM vẫn đang rất lớn. Tới đầu đợt giao dịch chiều 1/10, mới chỉ có 240.000 đơn vị FTM được trao tay. Điều đó cho thấy cung khá khiêm tốn. Trong khi đó, dư mua trần luôn ở mức trên dưới 2 triệu đơn vị. Các dấu hiệu này cho thấy FTM chưa thấy hạ nhiệt nhanh chóng được.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào "thảm kịch" Yeah1, có lẽ nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn khi tham gia bắt đáy bất cứ cổ phiếu này. Cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 vừa mới lên sàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư chứng khoán.

Yeah1 tự định giá mình cao và đưa YEG trở thành một trong những mã có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. YEG đưa ông chủ Nguyễn Ảnh Nhượng Tống lọt vào danh cách các tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bắt đáy FTM: Nhà đầu tư hãy nhìn "thảm kịch" Yeah1 - Ảnh 2.

Tham gia bắt đáy Yeah1, nhà đầu tư thua lỗ nặng.

Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, "vận đen" đến với Yeah1 khi Youtube "nghỉ chơi" với các kênh cung cấp nội dung của Yeah1. Kết quả là cổ phiếu YEG ghi nhận chuỗi 13 phiên giảm sàn liên tiếp. Đà lao dốc này khiến YEG giảm 149.300 đồng/CP, tương ứng 61%. Vốn hóa thị trường Yeah1 "đánh rơi" 4.670 tỷ đồng.

Với việc YEG giảm quá sâu, vốn hóa thị trường Yeah1 mất mát quá lớn, không ít người cho rằng YEG đã xuống "đáy". Vào ngày 21/3, dòng tiền đổ vào bắt đáy YEG như thiêu thân. Đã có tới 833.940 cổ phiếu được trao tay. Trong các phiên trước đó, thanh khoản mỗi phiên của YEG chỉ đạt khoảng 20.000 đơn vị.

Nhà đầu tư đặt niềm tin vào YEG nên cổ phiếu này đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, sau đó, YEG rơi vào tình cảnh giảm liên miên. Vài phiên đảo chiều phục hồi không thể giúp Yeah1 lấy lại được những gì đã mất.

Tới phiên 1/10, YEG đang giao dịch quanh mức 60.000 đồng/CP, giảm 42.300 đồng/CP, tương ứng 41,3% so với ngày 21/3 – phiên bắt đáy lớn nhất cổ phiếu FTM. Trong giai đoạn này, vốn hóa thị trường Yeah1 giảm 1.323 tỷ đồng.

Còn so với ngày 1/3/2019, ngày "mở màn" chuỗi thảm kịch của Yeah1, cổ phiếu YEG giảm 185.000 đồng/CP, tương ứng 75,5%. Vốn hóa thị trường Yeah1 "bốc hơi" 5.787 tỷ đồng.

"Thảm kịch" bắt đáy tại Yeah1 hoàn toàn có thể xảy ra với FTM.

Tiểu My
Cùng chuyên mục