Bé gái 5 tuổi bị chó cắn thương tích đầy mình khi chơi gần nhà

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 29/03/2024 05:56 AM (GMT+7)
Đang chơi với bạn gần nhà thì bé gái (ở Hà Giang) bị chó cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi.
Bình luận 0

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị cho 1 bé gái bị chó cắn gây nhiều thương tích được chuyển từ Hà Giang xuống. 

Bệnh nhân là bé H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) đang đi chơi với bạn ở gần nhà, thì bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi. Trẻ khóc kêu cứu, mọi người xung quanh nghe thấy đã chạy ra hỗ trợ kịp thời. 

Sau khi được sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng dại tại bệnh viện địa phương, H.A được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bé gái 5 tuổi bị chó cắn thương tích đầy mình khi chơi gần nhà- Ảnh 1.

Bé H.A được sơ cấp cứu kịp thời và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC

Bệnh nhi vào khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tỉnh táo, chơi ngoan, các vấn đề hô hấp và huyết động ổn định. 

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ có tổn thương xây xát nông lẫn vài điểm vết thương nhỏ sâu vùng cánh tay, vai, cạnh mắt và vùng môi trên bên phải.

Trẻ được bác sĩ truyền dịch, dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng, giảm đau và tiến hành phẫu thuật để cắt lọc làm sạch các vết thương. 

Đồng thời, bệnh nhi được tiêm phòng các vaccine phòng dại theo kế hoạch và theo dõi tiếp theo để phát hiện kịp thời các biến chứng sau chó cắn.

Để phòng tránh nguy cơ chó cắn, mèo cắn, các bác sĩ khuyến cáo:

- Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y

- Không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

- Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.

Bé gái 5 tuổi bị chó cắn thương tích đầy mình khi chơi gần nhà- Ảnh 2.

Trẻ bị cắn nhiều nhát ở tay, mặt và môi. Ảnh BVCC

- Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng và tiêm vaccine kịp thời. 

- Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine lđể bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 vừa diễn ra, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái ( hơn 170%). Trong đó tỷ lệ trẻ em mắc bệnh dại là hơn 34%.

Chỉ tính riêng người phải tiêm vaccine phòng dại năm 2023 là gần 700.000 người, 3 tháng đầu năm là hơn 143.000 người với chi phí trung bình là 1,2-1,5 triệu/liệu trình.

Có thể thấy mỗi năm tiêu tốn 800 tỷ đồng chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.

Bộ NNPTNN cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có tổng cộng 4.936.491 hộ nuôi với tổng cộng 7.612.154 con chó, mèo; nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).

Năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật (tăng 2.6 lần so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó mèo ở nước ta rất thấp.

Năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trung bình trên cả nước là 58% tổng đàn chó, mèo. Còn 3 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng chó mèo mới đạt 30%.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ NNPTNN, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo cần đảm bảo đạt ít nhất 70% tổng đàn để có hiệu quả trong phòng chống bệnh dại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem