Bên dòng Sêrêpốk: Nuôi cá lăng 'trứ danh'
Tại Việt Nam, một số nơi thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi loài cá đặc sản này. Nhưng cá lăng đuôi đỏ nuôi ở sông Sêrêpốk được coi là ngon nhất. Dòng chảy đầu nguồn, môi trường nước, nguồn thức ăn, khí hậu... giúp cho cá lăng đuôi đỏ nuôi trên dòng sông “ngang tàng” chảy ngược này có độ dai, vị thơm, ngọt “ăn mát môi, trôi mát cổ” nên dân sành ăn đến Tây nguyên hầu như ai cũng nhớ.
“Độc cô cầu bại” Chung cá lăng
Người dân TT.Ea T’ling (H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) gọi ông Tống Văn Chung là “Chung cá lăng”. Hầu hết nông dân tại đây đang “khóc ròng” vì các nông sản từng hái ra tiền giờ lao dốc thảm hại. Tiêu còn khoảng 36.000 đồng/kg. Cà phê rớt giá còn dưới 30.000 đồng/kg, chỉ bằng một tô phở. Điều cũng tụt giá so với năm ngoái từ 10.000 - 12.000 đồng/kg... Một số người cũng nuôi cá lăng đuôi đỏ nhưng “tán gia bại sản”, còn ông Tống Văn Chung vẫn sống khỏe với nghề nuôi giống cá đặc sản này suốt 10 năm qua.
Đúng hơn, ông Chung cũng có năm trắng tay vì thiên tai lẫn nhân tai. Đó là khi lũ dữ tràn về, thủy điện trên thượng nguồn xả đập khiến lồng cá bị cuốn phăng mất hơn 1,5 tỉ. Lỗ nặng nhưng ông Chung không bỏ cuộc. Vậy nên, bây giờ ngay dưới hạ lưu, cận kề thác Trinh Nữ, hỏi ai nuôi cá lăng đuôi đỏ người ta “chỉ điểm” ngay ông Chung.
Muốn gặp “Chung cá lăng” nhưng hai lần hẹn ông đều “thất hứa”. Tôi đành phóng xe thẳng đến nhà. Ông Chung phân trần: “Thời gian này, cá lăng đuôi đỏ tôi nuôi tiêu thụ khá mạnh. Không chỉ các nhà hàng khu vực lân cận mua mà còn xuất đi cả phố biển Nha Trang. Vì thế, tôi bận túi bụi đóng hàng gửi đi, tìm thêm nguồn giống để bổ sung, nhân đàn...”.
Chuyện cá lăng “xuống núi” phục vụ dân sành ăn phố biển nổi tiếng về hải sản như Nha Trang nghe có vẻ ngược đời, chẳng khác gì đem củi về rừng nhưng đó là chuyện thường ngày của vợ chồng ông Chung. Tôi ngồi trò chuyện với ông chưa kịp nóng ghế đã có mấy cuộc điện thoại gọi đặt hàng nên ông Chung vội vã ra bè kéo cá để kịp đóng hàng chuyển đi. “Nhà hàng dưới Nha Trang cần mình phải kéo liền gửi xuống cho kịp chuyến xe. Để khách hàng đợi lâu mất uy tín”, ông Chung nói.
Chiếc xuồng gỗ nhỏ xíu tròng trành rời bến. Tôi và cậu con trai ngồi cùng xuồng với ông Chung. Tải ba người nhưng nước đã mấp mé thành xuồng. Tôi hỏi chút nữa chở thêm cá thì làm sao? Ông Chung chỉ tay về chiếc cáp treo nối từ nhà ra bè nói: “Cá sẽ được tời vào bờ chứ không chở”. Xuồng cập bè, ông Chung nhảy phóc lên chòi canh cá rồi nhanh chóng ra bè kéo lưới. Khoảng 4 phút trôi qua chưa thấy động tĩnh gì, cậu con trai tôi sốt ruột hỏi: “Thấy con cá nào đâu bác?”. Ông Chung giải thích: “Nước ở đây sâu lắm, kéo lưới bọc lồng gây tiếng động chúng dồn xuống đáy lưới hết rồi”. Sau 6 phút, 7 phút... rồi 10 phút, lưới kéo càng cao, cá lăng xuất hiện nhiều dần, quẫy nước tung tóe. Trong hàng nghìn con cá lăng đuôi đỏ nuôi trong lồng nhưng bằng kỹ thuật phen lưới ông Chung kéo được những con cá to nhất đàn. Nghía được con cá nào to là ông dùng vợt tóm ngay. Sau đó cá được cho vào thùng gắn trên cáp, bấm công tắc điện chừng 30 giây cá đã đến tận nhà. “Phải xử lý nhanh để cá không yếu trước khi cho vào thùng sục ô xy. Như vậy, chuyển cá đi đường dài vẫn còn sống”, ông Chung chia sẻ.
Thuần phục cá lăng tự nhiên
Ông Chung từng là người lính. Nhiều năm trước, khi mọi người đổ xô chạy theo tiêu, điều, cà phê vì ai cũng giàu nhanh nhờ chúng. Nhưng người đàn ông quê Kim Sơn, Ninh Bình này nghĩ khác. Lúc đó, nguồn cá để phục vụ cho người dân địa phương chủ yếu được mang từ vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) lên. Biết sông Sêrêpốk tại nơi mình đến lập nghiệp có cá lăng đuôi đỏ danh tiếng, ông Chung ôm mộng nuôi giống cá này để phân phối cho các nhà hàng và người dân. Khởi nghiệp, ông Chung mua cá lăng nhỏ người dân đánh bắt được trên sông về bỏ vô lồng nuôi. “Khi đó nguồn cá lăng con nhân giống khó mua lắm. Mình phải bỏ công lùng sục, đặt hàng cá lăng nhỏ người dân đánh ở sông này. Gom dần, ngày một ít mới tạm đủ nuôi sáu lồng”.
Nhưng để thuần được con cá lăng trứ danh quen sống tự do trên sông Sêrêpốk, ông Chung phải thăm dò kỹ địa hình, dòng nước, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn. Cuối cùng ông chọn nhánh sông có dòng chảy êm ngay dưới dòng thác thơ mộng để xây dựng lồng bè nuôi cá. “Nhiều người không tin tôi nuôi được cá lăng. Cá lăng đuôi đỏ thường sống đơn độc trong tự nhiên, môi trường thoáng. Đưa chúng về sống “tập thể” trong không gian nhỏ hẹp là bài toán khó”, ông Chung thổ lộ.
Mùa đầu tiên, cá lăng chết một phần nhưng hầu hết chúng sống, phát triển khá tốt trong lồng. Ông Chung và vợ mừng húm. “Chung cá lăng” tâm sự: “Khi cá lăng đuôi đỏ tự nhiên còn rất ít, nuôi được giống cá này không sợ đầu ra. Nhưng muốn cá ngon tương đương cá trong tự nhiên phải dùng thức ăn cũng hoàn toàn tự nhiên”. Ông Chung dùng cá nhỏ, thịt ươn, lòng gà để cho cá ăn. Sáng nào vợ ông Chung cũng đi chợ để gom thức ăn này cho cá.
20 lồng nuôi với số lượng 1.500 con cá giống/lồng, mỗi ngày ông Chung phải chi 1 triệu tiền thức ăn. Tuy nhiên, chỉ cần thường nhật “xuất chuồng” 10 con cá lăng tầm 2 kg trở lên mỗi con với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg như hiện nay thì biết ngay vợ chồng cựu chiến binh này thu được bao nhiêu rồi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, H.Cư Jút từng đặt nhiều kỳ vọng khi thực hiện dự án "Nuôi cá lăng đuôi đỏ trong lồng bè trên sông Sêrêpốk". Tuy nhiên đến nay, dự án này đã đi vào quên lãng. Vì vậy, việc ông Tống Văn Chung “tự bơi” và nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ đáng ghi nhận, học hỏi.
Muốn thuần hóa "đặc sản tiến vua"
Ngoài nuôi cá lăng đuôi đỏ cung cấp chủ yếu cho nhà hàng, ông Chung còn nuôi thêm các lồng cá lóc, trê, phi để bán cho người tiêu dùng bình dân. Vẫn chưa thỏa mãn, ông còn ôm mộng nuôi các loại khác có trên dòng Sêrêpốk như mõm trâu, trà sóc, rô cờ (những loài cá quý, giá trị cao đang có nguy cơ tuyệt chủng). Khi tôi báo tin mới đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã nuôi thử nghiệm thành công giống cá rô cờ, loài cá được coi là đặc sản tiến vua của đất Tây nguyên, ông Chung hào hứng: "Tôi sẽ tiếp cận. Rất có thể tôi sẽ thuần hóa được. Không chỉ nuôi để kiếm cơm mà còn có thể góp phần bảo vệ nguồn gien của các loài cá đặc hữu của sông Sêrêpốk thì vui lắm".