Bệnh viện An Sinh (TP. HCM) không liên quan bệnh viện An Sinh đang xây dựng tại Hà Nội

Quang Dân Thứ sáu, ngày 07/05/2021 15:00 PM (GMT+7)
Bà Huỳnh Thị Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Hóa - Dược phẩm Mekophar cho biết, về việc xây bệnh viện ở Hà Nội hoàn toàn không phải của An Sinh, MKP đang khiếu nại họ không được lây tên An Sinh để đặt tên cho bệnh viện nào đó đang xây ở Hà Nội.
Bình luận 0

Mekophar không liên quan gì đến BV An Sinh ngoài Hà Nội

Đó là câu trả lời của lãnh đạo MKP tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 liên quan đến Bệnh viện An Sinh - có chủ đầu tư là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh đang được xây dựng tại Hà Nội của Cô đông Mekophar tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Sở dĩ có thắc mắc này, bởi lẽ Mekophar hiện là cổ đông lớn của Bệnh viện An Sinh (Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân An Sinh). Ở thời điểm tháng 10/2019, dữ liệu Dân Việt có được cho thấy, Bệnh viện An Sinh có vốn điều lệ 134,4 tỷ đồng, trong đó Mekophar nắm giữ 18,34% vốn; bà Huỳnh Thị Lan (Phó chủ tịch Mekophar) nắm giữ 17,71%.

Bà Lan thông tin thêm, hiện nay, đối với Bệnh viện An Sinh ngoài tiền thuê đất, MKP còn góp vốn và hằng năm được chia cổ tức, tiền cổ tức được chia, công ty đưa vào thu nhập chính.

Theo tìm hiểu, Mekophar được thành lập từ năm 1975, tiền thân có tên gọi là Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 24, trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam. Đến năm 2002, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar, có số vốn điều lệ ban đầu là 36 tỷ đồng.

Mekophar không liên quan gì đến bệnh viện Anh Sinh đang xây dựng tại Hà Nội - Ảnh 1.

CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP)

Tại thời điểm cuối năm 2020, số vốn điều lệ của công ty là 232,5 tỷ đồng sau 7 lần tăng vốn. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược - mỹ phẩm. Ngoài ra, Mekophar cũng lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư.

Giai đoạn 2014 - 2015, Mekophar đã từng là một doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành dược với hệ thống máy móc trang thiết bị sản xuất hiện đại cùng thương hiệu 30 năm.

Bên cạnh sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông đa dạng như Tổng Công ty Dược Việt Nam, cổ đông chiến lược Nipropharma, cổ đông là Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên (CBNV) hay nhóm cổ đông tài chính, Mekophar còn có mô hình kinh doanh lợi thế độc nhất ngành dược thời điểm đó với mảng ngân hàng tế bào gốc, Bệnh viện Đa khoa An Sinh.

Tuy vậy, lợi nhuận của Mekophar tụt dốc chưa có dấu hiệu dừng. Năm 2016, MKP đạt gần 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng đến năm 2020, con số chỉ còn 39 tỷ đồng. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu lợi nhuận giảm liền 5 năm liên tục.

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Mekophar giảm mạnh đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng tăng nhanh đột biến. Trong khi đó, doanh thu bán thuốc thành phẩm gần như đi ngang, không có sự tăng trưởng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Mekophar đạt 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn gần 700 tỷ đồng, trong đó tiền nhàn rỗi chiếm hơn 120 tỷ đồng, tăng gấp hai lần.

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 203 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi trên 6 tháng. Hàng tồn kho gần 242 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu sản xuất, chiếm 63%. Thời gian tồn kho bình quân là 95 ngày. Đáng chú ý là, Mekophar không trích lập dự phòng rủi ro cho phần tài sản nằm kho này.

Trước sự sụt giảm của kết quả kinh doanh, Cổ đông MKP đã đề cập đến vai trò của Ban điều hành trong việc lên kế hoạch về việc xây nhà máy hay xin sổ đăng ký để dẫn đến kết quả kém tích cực kéo dài sang năm thứ 3.

Theo nhiều cổ đồng, Mekophar trước đây ở top 5 doanh nghiệp Dược lớn trên thị trường. Mong Ban điều hành xem xét lại cách làm việc, đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh sát với thực tế để Mekophar quay lại như lúc trước.

Mekophar không liên quan gì đến bệnh viện Anh Sinh đang xây dựng tại Hà Nội - Ảnh 2.

Công trình Bệnh viện An Sinh Hà Nội thi công rầm rộ dù chưa có giấy phép xây dựng (Ảnh chụp ngày 26/9/2019).

Ve sầu thoát xác

Trở lại với Bệnh viện An Sinh - có chủ đầu tư là Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh đang được xây dựng tại Hà Nội.

Tháng 10/2019, báo chí đồng loạt đăng tải thông tin về việc UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ phần công trình sai phạm liên quan đến việc tổ chức thi công xây dựng dự án Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh khi chưa có giấy phép xây dựng.

Theo giới thiệu, Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh (Bệnh viện An Sinh) có quy mô 500 giường bệnh và tổng mức đầu tư  2.000 tỷ đồng. Với tổng diện tích khoảng 2,5ha nằm trên đường Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội (gần khu đô thị The Manor).

Bệnh viện An Sinh Hà Nội sẽ là một trong những bệnh viện tư nhân hàng đầu về quy mô xây dựng và nằm trong số ít các bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế chất lượng chuẩn 5 sao tại Việt Nam với chi phí thấp.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Tuy nhiên, sau một thời gian khởi công, dự án rơi vào cảnh đắp chiếu . Bãi đất trống được sử dụng làm bãi đỗ xe tự phát, gây bức xúc cho dư luận.

Tuy nhiên, năm 2019, công trình bất ngờ thi công trở lại và tiến hành triển khai hạng mục tầng hầm. Điều đáng nói, dự án tiến hành thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, khi thi công cũng không treo tên biển dự án theo quy định.

Mekophar không liên quan gì đến bệnh viện Anh Sinh đang xây dựng tại Hà Nội - Ảnh 3.

Khu đất liên quan đến Bệnh viện An Sinh nay đã được mọc lên Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình.

Thời điểm đó, liên quan đến những sai phạm tại dự án này, UBND quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh do đã có hành vi vi phạm hành chính là tổ chức thi công xây dựng công trình Bệnh viện An Sinh khi không có giấy phép xây dựng.

Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện là tháo dỡ phần công trình sai phạm. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh chi trả.

Ngoài ra, chủ dự án phải hoàn trả toàn bộ kinh phí về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế cho UBND phường Phú Đô là cơ quan thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Thời gian thực hiện, theo kế hoạch của UBND phường Phú Đô.

Quận Nam Từ Liêm cũng yêu cầu, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định cưỡng chế, chủ dự án phải có trách nhiệm thực hiện Quyết định. Nếu quá thời hạn, mà chủ dự án không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện nay, khu đất liên quan đến Bệnh viện An Sinh nay đã được mọc lên Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình, và hiện đang được gấp rút hoàn thiện đê khai trương vào đầu quý II/2021.

Ở thời điểm tháng 2/2020, An Sinh - Phúc Trường Minh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc nắm giữ 5,33% vốn; ông Nguyễn Ngọc Long (thường trú tại 80B phố Yên Ninh, P. Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; từng thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 61,33%; bà Vũ Thị Hồng Tuyết (thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 33,34% vốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem