Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng

24/12/2019 05:46 GMT+7
HĐXX cho biết gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hành vi "nhận hối lộ" của bị cáo.

Sẽ khắc phục hậu quả trước 26/12

Chiều 23/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án MobiFone mua AVG, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, tính đến 16h30 chiều qua, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nộp 21 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hành vi "nhận hối lộ" của bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Trước đó, trong phiên xử chiều 21/12, HĐXX đã công bố thư của ông Son gửi cho gia đình, động viên và đề nghị gia đình tiếp tục nộp nốt số tiền nhận hối lộ từ bị cáo Phạm Nhật Vũ trước ngày 26/12/2019.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chiều qua, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng.

HĐXX đã giao thư này cho đại diện gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son có mặt tại phiên tòa. Các con ông Son cho biết, sẽ làm theo tâm nguyện của bố cố gắng thu xếp, sớm nộp lại số tiền 3 triệu USD.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) đã nhiều lần liên lạc gọi điện thoại, nhắn tin cho bị cáo Nguyễn Bắc Son để thúc đẩy nhanh chóng việc mua bán, mong muốn bị cáo Nguyễn Bắc Son chỉ đạo để AVG sớm bán được cổ phần. Sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của bị cáo Nguyễn Bắc Son đưa cho ông này số tiền 3 triệu USD.

Sau khi nhận tiền, ông Son mang tiền lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào một chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite và một ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào một chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.

Toàn bộ số tiền 3 triệu USD, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền, bị cáo Nguyễn Bắc Son dặn con gái không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận thức lý do Phạm Nhật Vũ đưa tiền vì bị cáo là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án mua cổ phần của AVG.

Hai bất thường trong thương vụ MobiFone mua AVG

Trong phần tranh tụng sáng 23/12, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của MobiFone đã chỉ ra hai điều bất thường của thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

"Mật hóa cả một giao dịch là lần đầu tiên xảy ra, chưa từng có tiền lệ" - LS chỉ ra điều bất thường đầu tiên. "Các anh chị ở MobiFone thậm chí không dám đưa tài liệu cho LS nếu không có ý kiến của HĐTV vì tài liệu mật" - LS nói.

Bất thường thứ hai được LS chỉ ra, đây là dự án quy mô lớn về tài chính và công nghệ. Tổng Công ty MobiFone tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông vào tháng 12-2014. Sau đó, vào đầu năm 2015, MobiFone có chiến lược mở rộng kinh doanh về truyền hình.

"Đó là chiến lược thực hiện trong vòng năm năm. Vậy mà dự án này từ khi có chủ trương tới khi ra Quyết định 236 (của Bộ TT&TT phê duyệt và chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án, đồng thời xác định mức giá MobiFone mua AVG là gần 8.900 tỉ đồng - PV) tất cả chỉ được thực hiện trong một năm" - LS nói.

LS cũng nêu băn khoăn trình bày của các bị cáo tại phiên tòa đều thể hiện đây là mới mẻ ngay cả với Bộ TT&TT cũng như MobiFone. "Mới thì vì sao phải thúc ép thực hiện trong năm? Đó là tính chất bất thường. Còn những bất thường khác tôi không dám trình bày" - LS nói và cho biết hai bất thường này đã tác động tới toàn bộ quá trình sau này.

Nhiều LS cho rằng CQĐT, VKS đã "bưng bít thông tin" khi không thông báo lá thư ông Son viết gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án. Điều này gây khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả. Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho hay thư viết trong quá trình điều tra nhưng không phải "thư tình" mà là chứng cứ vụ án. Do vậy, tài liệu này phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định pháp luật.

M.Lan (t/h)
Cùng chuyên mục