Bị cho rằng phát biểu không tốt cho nền giáo dục, nữ ĐBQH đã tranh luận thế nào?

PVCT Thứ tư, ngày 04/11/2020 11:02 AM (GMT+7)
"Vấn đề đại biểu cho rằng tôi phát biểu không tốt cho nền giáo dục, tôi chỉ muốn nói tôi là con đẻ của ngành giáo dục, tôi thừa hưởng từ nền giáo dục Việt Nam và tôi đang công tác trong ngành giáo dục. ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nói.
Bình luận 0

Sáng nay (4/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế -xã hội. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thị Phương Thảo đã có phát biểu tranh luận lại với ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) về phát biểu tranh luận của ĐB Phương trong phiên thảo luận chiều qua.

Bị cho rằng phát biểu không tốt cho nền giáo dục, nữ ĐBQH đã tranh luận thế nào? - Ảnh 1.

ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Ảnh Quốc hội).

ĐB Thảo nói: Thứ nhất về vấn đề ĐB cho rằng tôi phát biểu không tốt cho nền giáo dục, tôi chỉ muốn nói tôi là con đẻ của ngành giáo dục, tôi thừa hưởng từ nền giáo dục Việt Nam và tôi đang công tác trong ngành giáo dục. 2/3 nội dung trong bài phát biểu của tôi tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành của mình được tốt hơn.

Về SGK lớp 1 với các vấn đề liên quan thực tế cử tri biết, cử tri đã phản ánh với đoàn ĐBQH chúng tôi. Là ĐBQH tôi nghĩ chúng ta phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân, tôi đã phát biểu từ sự phản ánh trung thực, kiến nghị của cử tri địa phương không phải của cá nhân tôi.

Về sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra, thực chất kiến nghị của tôi là cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu đối với các hành vi in ấn trái phép làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo quyền tác giả, quyền xuất bản. Kiến nghị này xuất phát từ 2 căn cứ: 1 là tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua chưa được dẹp bỏ (gần đây ngày 6/9, công an và quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ tại 1 cơ sở gần 60.000 sách, trong đó có cả SGK và sách tham khảo cùng 3,7 tấn thành phẩm chuẩn bị in lậu); thứ 2 là xuất phát từ chính cử tri địa phương nơi tôi, băn khoăn về tình trạng này làm cho con em người dân có tình trạng mất tiền mua phải SGK giả. 

"Tôi là người có đủ hành vi năng lực dân sự, tôi phát ngôn và tôi chịu trách nhiệm về lời nói của mình trước cử tri. Vì ý kiến từ thực tế nên không có chuyện cử tri hoài nghi, hoang mang trước ý kiến của tôi, có chăng tôi phải xin lỗi cử tri vì còn nhiều kiến nghị nữa của họ tôi chưa thể chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, chưa thể theo đuổi đến cùng vấn đề như khi ưng cử tôi hứa với cử tri.

Về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, cử tri tỉnh này có thể không phản ánh như vậy nhưng cử tri nơi khác lại bức xúc và đề xuất. Tôi nghĩ đó là góc nhìn của mỗi cá nhân cử tri và đại biểu. Điều tra xác minh sai phạm cũng có thể trả lại sự trong sạch của cá nhân, tổ chức.

Trước câu hỏi có sai hay không, sai không đáng kể hay sai nghiêm trọng, câu hỏi này khiến tôi nghĩ đến nhiều câu hỏi tương tự mà khi tôi tiếp cử tri, cử tri đã đặt ra với tôi. Câu trả lời của tôi là sai hay không, tôi hay bất cứ cá nhân nào đều không đủ khả năng căn cứ hay thầm quyền để khẳng định, câu trả lời ở các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trước Quốc hội, ĐBQH nào phát biểu ra sao, nội dung thế nào cử tri đều giám sát, muốn phán xét một ĐB cần sự phản hồi từ trong dân, từ lòng dân, từ ý dân chứ không phải từ cái nhìn phiến diện từ một cá nhân nào", ĐB Thảo nói.

Bị cho rằng phát biểu không tốt cho nền giáo dục, nữ ĐBQH đã tranh luận thế nào? - Ảnh 3.

ĐBQH Bùi Văn Phương (ảnh Quốc hội).

Cũng trong sáng nay, ĐB Bùi Văn Phương đã giơ biển tranh luận lại với phát biểu của ĐB Thảo. ĐB Phương cho rằng, việc tranh luận ở Quốc hội là việc bình thường để tiến tới nhận thức thống nhất chung, tránh hiểu sai lệch.

ĐB Phương cho biết, trước khi họp Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri của ngành giáo dục, trực tiếp với các giáo viên lớp 1 để nghe các thầy phát biểu vì sao chọn sách này, vì sao chọn sách kia và ông khẳng định: "Nói ở đây không phải để bênh Bộ GD-ĐT nhưng phải nói khách quan".

Theo ông Phương SGK tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sai sót, nhưng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu. Việc này khắc phục được, đó là giáo viên sẽ sửa lại khi giảng dạy đến bài đó.

Vị ĐBQH này sau đó đọc lại phát biểu tại nghị trường của ĐB Đặng Thị Phương Thảo hôm qua và cho rằng việc chuyển cơ quan điều tra việc in sách lậu là hoàn toàn chính xác.

"Tôi chỉ băn khoăn chuyện một số lỗi trong SGK lớp 1 mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, của tác giả, chủ biên… thì có gì đó quá mức", ông nói.

Vào chiều qua (3/11), khi phát biểu tranh luận với ĐB Đặng Thị Phương Thảo, ĐB Bùi Văn Phương nói: Có thể nói, đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và cũng là năm đầu tiên chúng ta học, thực hiện chương trình lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc biên soạn sách giáo khoa là vấn đề rất lớn. Có thể nói, ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có thể nói có một số thiếu sót không thể tránh khỏi. Nhưng đây không phải là sai sót ở mức độ nghiêm trọng.

Tôi nói sách giáo khoa có một số thiếu sót đó chỉ là ở dạng một số ngữ liệu phục vụ cho học âm, học vần, bài đọc của các cháu, không phải sai sót tới mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức như đại biểu nói là phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa việc sai sót này.

Đây là nói trước diễn đàn Quốc hội, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, nếu không có thể gây tâm lý, có thể là hoài nghi, hoang mang trong nhân dân và cử tri. Cho nên tôi xin nhắc lại là những thiếu sót ở trong sách giáo khoa chỉ là dạng chưa thật sự phù hợp và những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem