Bi kịch của bóng đá nữ Afghanistan: Đối diện nguy cơ "toang"

Thứ tư, ngày 18/08/2021 07:10 AM (GMT+7)
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul, các thành viên đội tuyển nữ Afghanistan xóa tài khoản mạng xã hội và chạy trốn vì lo sợ cuộc sống bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Khalida Popal là một trong những người khởi xướng và phát triển phong trào bóng đá nữ ở Afghanistan. Từng là thành viên đội tuyển nữ quốc gia, điều phối viên của Liên đoàn Bóng đá Afghanistan (AFF), Popal phải chạy sang Đan Mạch để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy của lực lượng Taliban.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Associated Press (AP) từ Đan Mạch, Popal kể về nỗi lo sợ của các cầu thủ nữ, những người chưa rõ số phận sau khi Taliban lên nắm chính quyền. Zing lược dịch bài viết của tác giả Rob Harris, theo AP.

Bi kịch của bóng đá nữ Afghanistan:  Đối diện dấu chấm hết - Ảnh 1.

Khalida Popal, cựu đội trưởng tuyển nữ quốc gia Afghanistan, tại Hội nghị thường niên về Bình đẳng và Hội nhập của FIFA vào năm 2017 tại Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: Getty

Trong những cuộc điện thoại và tin nhắn điên cuồng, Khalida Popal có thể nghe thấy sự đau khổ đằng sau những lời cầu cứu đẫm nước mắt. Các cầu thủ bóng đá của đội tuyển nữ quốc gia Afghanistan giờ đây đang lo sợ cho cuộc sống của họ sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước sau hai thập kỷ.

Theo luật Sharia hà khắc mà Taliban đã áp dụng trong quá khứ, phụ nữ không được đi làm và trẻ em gái không được đi học. Bóng đá nữ mới chỉ xuất hiện ở Afghanistan trong khoảng 20 năm trở lại, nhưng có nguy cơ không thể tồn tại khi Taliban trở lại.

Tất cả những gì Popal có thể làm với các cầu thủ nữ là khuyên họ chạy trốn khỏi những người hàng xóm biết họ là cầu thủ và cố gắng xóa sạch mọi thông tin - đặc biệt là những hoạt động liên quan đến phong trào chống Taliban của đất nước Hồi giáo Afghanistan.

“Tôi đã được khuyến khích gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội, ảnh đại diện, để trốn thoát và ẩn mình. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát vì trong suốt những năm qua, chúng tôi đã làm việc để nâng cao hình ảnh của phụ nữ và bây giờ tôi lại nói với những người phụ nữ của tôi ở Afghanistan là hãy im lặng và biến mất. Tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm”, Popal chia sẻ.

Người phụ nữ 34 tuổi hầu như không thể hiểu được sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ Afghanistan và cảm giác bị các quốc gia phương Tây bỏ rơi, những người từng giúp lật đổ Taliban vào năm 2001. Cô bỏ trốn cùng gia đình sau khi Taliban chiếm được Kabul vào năm 1996, và trở lại Afghanistan cách đây hai thập kỷ khi còn là một thiếu niên sống trong trại tị nạn ở Pakistan. Với sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế, Popal tin rằng quyền của phụ nữ sẽ được thúc đẩy.

"Thế hệ của tôi có niềm tin xây dựng đất nước, thay đổi cách nhìn về phụ nữ và nam giới ở thế hệ tiếp theo. Tôi bắt đầu cùng với những phụ nữ trẻ khác sử dụng bóng đá như một công cụ để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”, Popal nói.

Cho tới trước năm 2007, Popal đã có đủ cầu thủ để góp mặt trong đội tuyển quốc gia nữ đầu tiên của Afghanistan.

"Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi khoác lên mình chiếc áo đấu. Đó là cảm giác đẹp nhất, tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, cô nói.

Khi các cuộc tấn công của lực lượng Taliban ngày càng leo thang, Popal khuyến khích các đồng đội của cô sử dụng nền tảng mạng xã hội để lên tiếng.

“Tôi đã nhận được rất nhiều lời thách thức và dọa giết vì tôi đã được trích dẫn trên truyền hình quốc gia. Tôi gọi Taliban là kẻ thù của chúng ta", Popal chia sẻ.

Bi kịch của bóng đá nữ Afghanistan:  Đối diện dấu chấm hết - Ảnh 2.

Sự tồn tại của bóng đá nữ Afghanistan những năm qua có thể bị đặt dấu chấm hết. Ảnh: Getty.

Năm 2011, Popal ngừng thi đấu để tập trung vào công tác điều phối đội với tư cách là giám đốc điều hành Liên đoàn Bóng đá Afghanistan (AFF). Những lời đe dọa vẫn tiếp diễn buộc cô phải chạy trốn khỏi đất nước để xin tị nạn ở Đan Mạch vào năm 2016.

Popal biết rõ tính mạng của mình đang gặp nguy hiểm, nhưng không bao giờ bỏ rơi các nữ cầu thủ, khi giúp phơi bày các vụ lạm dụng thể chất và tình dục, dọa giết và hãm hiếp liên quan đến các quan chức bóng đá Afghanistan.

"Phụ nữ Afghanistan tin vào lời hứa của họ (Chính quyền tổng thống Ashraf Ghani) nhưng họ đã ra đi vì không còn lợi ích quốc gia nào nữa. Tại sao họ lại hứa?", Popal hỏi.

"Đây là những gì các các cô gái gửi cho tôi. Họ đã khóc. Phụ nữ Afghanistan không còn hy vọng. Điều sắp xảy ra với họ là không công bằng. Họ phải lẩn trốn. Hầu hết bỏ nhà đi đến nhà họ hàng, ở ẩn vì hàng xóm biết họ là cầu thủ. Taliban đang ở khắp nơi, sự sợ hãi bao trùm đất nước này”, cô thở dài.

Popal ở một nơi xa nhưng được kết nối bởi những tin nhắn về Taliban. Thật khó để tưởng tượng tuyển nữ Afghanistan, đội bóng xếp thứ 152 trong số 167 đội nữ trên thế giới, có thể thi đấu trở lại.

Popal nói: “Thật đau đớn khi chứng kiến chính phủ đầu hàng. Phụ nữ đã mất hy vọng”.

Bảo Ngọc (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem