Bị ông Trump phản đối, Microsoft "chùn chân" trong thỏa thuận mua lại TikTok Mỹ?

03/08/2020 11:01 GMT+7
Microsoft hôm 2/8 xác nhận đã tổ chức các cuộc đàm phán với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance về việc mua lại ứng dụng đang hot tại Mỹ là TikTok. Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào giữa tháng sau, 15/9.
Bị ông Trump phản đối, Microsoft "chùn chân" trong thỏa thuận mua lại TikTok Mỹ? - Ảnh 1.

Bị ông Trump phản đối, Microsoft "chùn chân" trong thỏa thuận mua lại TikTok Mỹ?

Nếu hoàn tất thỏa thuận mua lại TikTok, Microsoft sẽ hóa giải cuộc “đàn áp” được lường trước mà chính phủ Mỹ đã cảnh báo sẽ thực hiện với ứng dụng video TikTok có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nhưng hôm 2/8, phản ứng trước thông tin này, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng phản đối ý tưởng Microsoft mua lại TikTok. Ông đồng thời cảnh báo sẽ cấm cửa ứng dụng này tại Mỹ bằng nhiều biện pháp như mệnh lệnh hành pháp hay một chỉ thị riêng… Trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trên Fox News rằng TikTok và nhiều ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc như Tencent hay WeChat thực chất đang cung cấp dữ liệu trực tiếp cho ĐCS Trung Quốc.

Theo nhiều nguồn tin, mức giá đề xuất cho thương vụ khủng này lên tới 100 tỷ USD. Nếu thương vụ diễn ra, Microsoft sẽ thế chân ByteDance quản lý thông tin dữ liệu người dùng tại nhiều thị trường như Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Đồng thời, ông lớn công nghệ Mỹ cũng có thể cho phép một công ty khác vận hành TikTok tại chính thị trường Mỹ. Điều này được cho là sẽ giảm đi mối quan ngại của chính quyền Trump về nguy cơ TikTok là “sân sau” cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

“Một cấu hình mới sẽ được xây dựng dựa trên trải nghiệm mà người dùng TikTok hiện ưa thích, nhưng bổ sung nhiều tính năng bảo mật kỹ thuật số đẳng cấp hàng đầu thế giới… Mô hình hoạt động sẽ đảm bảo tính minh bạch cho người dùng cũng như đáp ứng sự giám sát an ninh phù hợp cho chính phủ các quốc gia” - tuyên bố từ Microsoft cho hay.

Một nguồn tin khác đăng trên tờ Bloomberg thì cho hay Microsoft và ByteDance đã tạm ngưng thảo luận về thương vụ mua lại bạc tỷ này sau khi Tổng thống Trump lên tiếng phản đối. Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết các nhà lãnh đạo hai đại gia công nghệ đang tạm ngưng quá trình thảo luận để “thăm dò” thái độ của chính quyền Trump chứ không loại bỏ hoàn toàn thương vụ. 

Tuy nhiên, CEO TikTok tại Mỹ Vanessa Pappas mới đây đã gửi một thông điệp đến người dùng TikTok tại Mỹ, cho hay ứng dụng này không hề có ý định rút khỏi thị trường Mỹ bất chấp những cảnh báo từ Nhà Trắng. 

ByteDance đã đưa ứng dụng TikTok ra thị trường thế giới vào năm 2017, ít lâu sau màn ra mắt thành công ứng dụng tương tự là Douyin tại thị trường nội địa. 1 năm sau đó, ByteDance mua lại Musical.ly, một ứng dụng truyền thông xã hội hot bậc nhất tại thị trường Mỹ như một đòn bẩy cho tham vọng Mỹ tiến. Đại dịch Covid-19 như một nấc thang đưa TikTok phủ sóng toàn cầu, khi khoảng thời gian cách ly, phong tỏa đã thúc đẩy người dùng thế giới tìm đến các ứng dụng giải trí nhiều hơn. Chỉ trong tháng 4/2020, toàn thế giới chứng kiến 2 tỷ lượt download ứng dụng TikTok. 

Sự nổi lên bất ngờ đã đưa TikTok vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Giống như trường hợp của Huawei, các nhà lập pháp Mỹ nhanh chóng chỉ ra rằng công ty mẹ của TikTok, ByteDance có nguy cơ buộc phải chia sẻ dữ liệu người dùng với Chính phủ nếu Bắc Kinh yêu cầu. Đối với Washington, tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn lao của TikTok cũng như sự buộc phải tuân theo luật lệ của Bắc Kinh sẽ biến TikTok thành mối đe dọa an ninh lớn tương tự như Huawei.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục