Ông Trump lại cảnh báo khả năng cấm cửa ứng dụng Trung Quốc TikTok
Tờ NBC News đưa tin Tổng thống Trump nhắc đến khả năng cấm cửa TikTok tại buổi trò chuyện với các phóng viên trong chuyến bay từ Florida về Washington. “Về phía TikTok, chúng tôi đang xem xét cấm ứng dụng này tại Mỹ”.
Trump không đề cập cụ thể liệu ông sẽ cấm TikTok thông qua một mệnh lệnh hành pháp hay một chỉ định, một dự luật… “Tôi có thẩm quyền đó (cấm TikTok). Tôi có thể làm điều đó với một mệnh lệnh hành pháp hoặc một thứ gì đó tương tự” - ông Trump cho hay.
Phản ứng lại lời cảnh báo của Trump, phát ngôn viên TikTok tại Mỹ cho biết trên tờ NBC News rằng TikTok đang tạo ra hàng nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ, đồng thời nhấn mạnh cam kết bảo mật thông tin cá nhân người dùng là ưu tiên hàng đầu mà ứng dụng này theo đuổi.
“Chúng tôi đã thuê gần 1.000 người lao động cho ứng dụng vận hành tại Mỹ chỉ trong năm nay. Chúng tôi đang quản lý lực lượng lao động 10.000 nhân viên với mức lương cao trên khắp nước Mỹ. Quỹ sáng tạo trị giá 1 tỷ USD của chúng tôi đang hỗ trợ những nhà phát triển, sáng tạo (phần mềm) người Mỹ xây dựng sinh kế”.
“Dữ liệu người dùng TikTok Mỹ được lưu trữ tại chính nước Mỹ với các biện pháp kiểm soát quyền truy cập của nhân viên rất chặt chẽ. Những nhà đầu tư lớn nhất của TikTok đến từ Mỹ. Chúng tôi cam kết ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư và an toàn bảo mật người dùng khi TikTok tiếp tục vận hành để mang lại niềm vui cho người dùng và sự nghiệp có ý nghĩa cho những người tạo ra nền tảng này”.
Lời cảnh báo của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Microsoft đang tổ chức các cuộc đàm phán mua lại ứng dụng chia sẻ video TikTok từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Theo Trump, ông không ủng hộ thỏa thuận như vây của Microsoft.
“Việc mua lại TikTok có thể khiến Microsoft, nhà cung cấp phần mềm kinh doanh hàng đầu trở nên tập trung hơn vào mảng công nghệ tiêu dùng, mảng mà Microsoft đã xa lánh trong nhiều năm gần đây khi thoát ly khỏi thị trường phần cứng smartphone, sách điện tử” - ông Trump nhận định.
ByteDance ra mắt TikTok vào năm 2017 và rất nhanh biến nó thành ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 và lệnh cách ly, phong tỏa được thực hiện trên toàn cầu đã thúc đẩy sự phổ biến của TikTok, giúp ứng dụng này đạt tới hơn 2 tỷ lượt download hồi tháng 4, theo Sensor Tower.
Sự trỗi dậy của ứng dụng này tại thị trường Mỹ đã khiến chính quyền Trump phải để mắt. Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính phủ đang xem xét khả năng cấm các ứng dụng xã hội Trung Quốc bao gồm TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn thu hút hàng trăm triệu lượt download tại Mỹ. Ông Pompeo viện dẫn những rủi ro an ninh quốc gia từ các ứng dụng Trung Quốc như vậy, tương tự như lý do khiến Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019.
Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra sau khi nhóm Hacker Anonymous nổi tiếng thế giới nhấn mạnh trên tài khoản Twitter chính thức rằng TikTok của Trung Quốc thực chất là “công cụ gián điệp”. “Hãy xóa TikTok ngay bây giờ nếu ai đó xung quanh bạn đang sử dụng ứng dụng này. Hãy giải thích cho họ rằng TikTok thực chất là phần mềm độc hại phục vụ cho mục đích gián điệp”.
Các nhà quan sát lo ngại việc Mỹ cấm TikTok có thể sẽ làm tệ đi đáng kể mối quan hệ Mỹ Trung vốn đang ở đỉnh điểm căng thẳng.