Bị Chính quyền Trump đưa vào tầm ngắm, TikTok liệu có trở thành Huawei thứ hai?

17/07/2020 15:00 GMT+7
Năm ngoái, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã bị cuốn vào trung tâm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung và từ đó trở thành mục tiêu của một chiến dịch “đàn áp” mạnh mẽ từ Washington. Giờ đây, TikTok có nguy cơ trở thành “Huawei thứ hai” khi bị chính phủ Mỹ đưa vào tầm ngắm.
Bị Chính quyền Trump đưa vào tầm ngắm, TikTok liệu có trở thành Huawei thứ hai? - Ảnh 1.

Bị Chính quyền Trump đưa vào tầm ngắm, TikTok liệu có trở thành Huawei thứ hai?

Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chính phủ đang xem xét khả năng cấm các ứng dụng xã hội Trung Quốc bao gồm TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn thu hút hàng trăm triệu lượt download tại Mỹ. Ông Pompeo viện dẫn những rủi ro an ninh quốc gia từ các ứng dụng Trung Quốc như vậy, tương tự như lý do khiến Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019.

Thực tế, từ lâu đã có những lời cảnh báo xuất hiện về rủi ro bảo mật phía sau các ứng dụng như TikTok. Ngay cả nhóm Hacker Anonymous nổi tiếng thế giới cũng từng nhấn mạnh trên tài khoản Twitter chính thức rằng TikTok của Trung Quốc thực chất là “công cụ gián điệp”. “Hãy xóa TikTok ngay bây giờ nếu ai đó xung quanh bạn đang sử dụng ứng dụng này. Hãy giải thích cho họ rằng TikTok thực chất là phần mềm độc hại phục vụ cho mục đích gián điệp”.

Nhưng một số nhà quan sát chỉ ra rằng đằng sau nguy cơ TikTok bị cấm cửa tại Mỹ là những động cơ chính trị rõ rệt. Samm Sacks, một chuyên viên cao cấp từ Trường Đại học Luật Yale, đồng thời là chuyên viên chính sách an ninh mạng tại Viện Nghiên cứu New America (Washington D.C) cho hay: “Chúng ta đang ở trong một môi trường mà các công ty công nghệ Trung Quốc bị đánh đồng và đối xử như nhau”, dù cho TikTok và Huawei “là những công ty hoàn toàn khác nhau về phân khúc thị trường, văn hóa doanh nghiệp, cơ cấu sở hữu...”.

Bà Samm chỉ ra điểm chung duy nhất giữa hai doanh nghiệp này là đều thành công trên toàn cầu, và chính điều đó đã đưa TikTok vào tầm ngắm của Washington. “Huawei và TikTok có thể coi là hai công ty công ty công nghệ Trung Quốc duy nhất đã thực sự thành công bành trướng ra ngoài hệ sinh thái công nghệ tương đối khép kín của Trung Quốc để trở thành thương hiệu toàn cầu được người dùng toàn cầu ưa chuộng”.

Tính đến tháng 4, TikTok (bao gồm cả phiên bản Douyin tại thị trường Trung Quốc nội địa) đã có tới hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu, theo số liệu từ công ty tình báo thị trường Sensor Tower. Trong đó, chỉ riêng tại Mỹ đã có 180 triệu lượt tải ứng dụng TikTok, đóng góp khoảng 10% người dùng TikTok bên ngoài Trung Quốc, chỉ đứng sau Ấn Độ và Indonesia.

Giống như trường hợp của Huawei, các nhà lập pháp Mỹ nhanh chóng chỉ ra rằng công ty mẹ của TikTok, ByteDance có nguy cơ buộc phải chia sẻ dữ liệu người dùng với Chính phủ nếu Bắc Kinh yêu cầu. Đối với Washington, tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn lao của TikTok cũng như sự buộc phải tuân theo luật lệ của Bắc Kinh sẽ biến TikTok thành mối đe dọa an ninh lớn tương tự như Huawei.

Claudia Biancotti, chuyên gia kinh tế cấp cao của Bộ Kinh tế và Quan hệ Quốc tế tại Ngân hàng Ý nhận định: “TikTok có thể gặp khó trong việc mở rộng phạm vi người dùng ra khỏi độ tuổi thanh thiếu niên. Nhưng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một ứng dụng Trung Quốc khác có sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn tấn công vào thị trường Mỹ và EU. Một ứng dụng như vậy có nguy cơ trở thành mối đe dọa tương tự như Huawei”.

Cũng như Huawei, ByteDance phủ nhận việc bị buộc chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Doanh nghiệp này tuyên bố mọi dữ liệu người dùng tại Mỹ đều được lưu trữ trong các máy chủ đặt ở Mỹ và Singapore, đồng thời nhấn mạnh hoạt động của TikTok tại thị trường Mỹ không thuộc thẩm quyền quản lý của Bắc Kinh.

“TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên và các chuyên gia về an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công người Mỹ. Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn việc thúc đẩy trải nghiệm của người dùng trên một ứng dụng an toàn, bảo mật. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không bao giờ làm vậy” - TikTok nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Rõ ràng, điều này không xóa đi những nghi ngờ còn tồn tại trong các nhà lập pháp Mỹ. Cố vấn Nhà Trắng Navarro thậm chí còn “vạch trần” rằng TikTok đang muốn “diễn một vở kịch” tương tự như Huawei bằng cách thuê cựu CEO Disney Kevin Mayer lên giữ chức tân CEO. “Kế hoạch đưa một con rối người Mỹ lên chịu trách nhiệm cho TikTok sẽ không thành công” - ông Navarro khẳng định.

Theo tờ Financial Times, Nhà Trắng hiện đang xem xét đưa ByteDance, công ty mẹ của TikTok vào danh sách đen như Huawei hồi năm 2019, qua đó hạn chế quyền truy cập của TikTok vào các công nghệ Mỹ.

Bất cứ lệnh cấm nào của Mỹ cũng có nguy cơ trở thành đòn giáng nghiêm trọng tiềm tàng vào TikTok nói riêng và ByteDance nói chung. Việc mất đi thị trường Mỹ thậm chí còn đau đớn hơn gấp bội, bởi TikTok vừa mất đi một thị trường có lượng người dùng khổng lồ khác là Ấn Độ.Theo Sensor Tower, người dùng Mỹ đóng góp tới 60% tổng chi tiêu người dùng đổ vào TikTok trong quý II/2020, tương đương gần 20 triệu USD. Ngoài doanh thu trực tiếp từ người dùng, "việc mất thị trường Mỹ có thể sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu quảng cáo của TikTok bên ngoài Trung Quốc” - trích lời CEO Sensor Tower, ông Alex Malafeev.

Hồi tháng 6, TikTok đã ra mắt nền tảng mới chuyên cho quảng cáo thương hiệu mang tên TikTok for Business. Nhưng cho đến nay, theo CEO Jin Kim từ Creative Digital Agency, một công ty tiếp thị ở California, đa số các thương hiệu vẫn đang trong chế độ “chờ xem”. “Tôi không thấy các thương hiệu lớn cài đặt quảng cáo trên TikTok vào thời điểm hiện tại. Nguyên nhân có thể do các thương hiệu này quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư cũng như rủi ro bất ổn trong tương lai”. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp quảng cáo sẽ không chọn quảng cáo trên TikTok chừng nào những nguy cơ chính trị được xóa bỏ hoàn toàn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục