Biden cần xem lại thỏa thuận Mỹ Trung để cứu ngành nông nghiệp Mỹ

25/01/2021 16:06 GMT+7
Các nhà sản xuất hạt và ngũ cốc Mỹ đã ăn mừng khi chính quyền Trump ký thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vào tháng 1/2020. Nhưng có phải ngành nông nghiệp Mỹ thực sự hưởng lợi từ thỏa thuận?

Thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 hứa hẹn sự quay lại của các nhà nhập khẩu nông sản Trung Quốc - một trong những khách hàng quan trọng nhất của thị trường nông sản Mỹ. Tại thỏa thuận này, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ (bao gồm 32 tỷ USD nông sản) trong hai năm 2020-2021.

Chính quyền Trump đã tuyên truyền về thỏa thuận này như một trong những chiến thắng lớn trước Trung Quốc. “Thỏa thuận là một thắng lợi vĩ đại… Ta chỉ cần duy trì thuế quan và các cam kết mua hàng, đảm bảo Trung Quốc tuân thủ đúng lời hứa của họ” - ông Lighthizer nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hồi tuần trước.

Trong khi nội dung điều khoản thỏa thuận có thể làm hài lòng nông dân và các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ, bản chất của thỏa thuận lại bị một số nhà phê bình chỉ trích là làm tổn thương người tiêu dùng trong dài hạn.

Biden cần xem lại thỏa thuận Mỹ Trung để cứu ngành nông nghiệp Mỹ - Ảnh 1.

Biden cần xem lại thỏa thuận Mỹ Trung để cứu ngành nông nghiệp Mỹ

Tiếp quản thỏa thuận còn dang dở từ người tiền nhiệm Donald Trump, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không tác động lập tức đến nội dung thỏa thuận hiện có. “Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái điều chỉnh nào ngay lập tức (liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 cũng như thuế quan trừng phạt)” - ông Biden khẳng định trên tờ New York Times. Ông Biden cho biết sẽ tiến hành xem xét toàn bộ thỏa thuận, đồng thời tham khảo ý kiến các đồng minh thân cận ở Châu Á và Châu Âu “để phát triển một chiến lược chặt chẽ, phối hợp” đối phó với Bắc Kinh. 

Về phía Trung Quốc, ngay sau tin ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin Bắc Kinh sẽ tìm cách đàm phán lại thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung với ông Biden bởi thỏa thuận cũ mang đến nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Nhưng thực chất, các nhà quan sát chỉ ra Trung Quốc đã tìm cách kiếm lợi từ thỏa thuận này bằng cách thu mua khối lượng ngô và đậu nành kỷ lục từ Mỹ trong năm 2020 với mức giá thấp đáng kể. Hơn nữa, tính đến hết 11 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc mới chỉ đáp ứng 67% kim ngạch nhập khẩu nông sản mục tiêu cần thiết để hoàn thiện thỏa thuận đã ký.

Một trong những điều khó hiểu nhất ở thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 là các mục tiêu thương mại được quy theo giá trị USD thay vì khối lượng trọng tải. Điều đó có nghĩa là giá cả hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường hoặc sức mua từ Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất hành tinh. Ngay tại thời điểm đàm phán, mức giá nông sản nhìn chung đã thấp hơn đáng kể so với những năm trước đó, khi chiến tranh thương mại chưa bùng nổ.

Ngay cả khi mức giá tăng lên như những tháng gần đây, mức tăng mua 32 tỷ USD nông sản trong 2 năm của Trung Quốc vẫn là một cam kết đầy tham vọng và khó bắt kịp. Điều này có nghĩa là Trung Quốc cần nhập khẩu 43,5 tỷ USD nông sản trong năm 2021, cao hơn nhiều mức nhập khẩu kỷ lục 29 tỷ USD năm 2013. Trong đó chủ yếu tập trung vào ngô, đậu nành và bông - những mặt hàng mà Bắc Kinh cần nhất.

Điều ông Biden cần làm lúc này khi tiếp quản thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 là điều chỉnh lại nó theo hướng không gây bất lợi cho ngành nông nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Thêm vào đó, cần tập trung giải quyết những mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ bắt buộc trong các thỏa thuận giai đoạn sau.


NTTD
Cùng chuyên mục