Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ thì không nên"

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 16/12/2023 07:00 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, khai thác cát để làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở bờ sông, mất mấy chục tỷ thì không nên. Đây là trách nhiệm chung, cần xem xét lại trong việc khảo sát, đề xuất cấp phép khai thác cát trên sông.
Bình luận 0

"Cát tặc" leo lên ngọn cây, "cảnh giới" cho mỏ không phép

UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, vào ngày 15/12.

Theo lãnh đạo UBND TP.Quy Nhơn, Bình Định, trên địa bàn có 7 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đất, làm vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình.

Lãnh đạo TP.Quy Nhơn cho rằng, do áp lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm của tỉnh cũng như thành phố mà các doanh nghiệp khai thác đất tại các mỏ, không thực hiện đúng một số nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Thời gian qua, Quy Nhơn thành lập tổ công tác để tăng cường công tác kiểm tra, qua đó bắt 2 xe máy đào có hoạt động khai thác trái phép, giao công an hoàn thiện hồ sơ để xử lý.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 1.

UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh có 85 mỏ đá xây dựng, cát xây dựng 52 mỏ, đất san lấp 217 mỏ, sét gạch ngói có 41 mỏ.

Năm nay, qua công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý 15 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng và phạt cảnh cáo nhiều trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Định và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra…

Theo đại diện Công an tỉnh Bình Định, so với năm 2022, số vụ khai thác khoáng sản trái phép giảm, phần lớn các vụ vi phạm tập trung vào nhóm khai thác trái phép khoáng sản, vận chuyển vi phạm tải trọng; một số doanh nghiệp trong quá trình chờ phê duyệt hồ sơ đã khai thác đất, cát…

Thời gian qua, các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, hoạt động khai thác trái phép ở các địa phương vẫn còn, nhất là khai thác đất, cát. Các đối tượng lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng thiếu phương tiện, con người, địa bàn rộng.

Riêng vấn đề khai thác đá trái phép ở khu vực núi Hòn Chà (TP.Quy Nhơn), một số đối tượng lợi dụng địa hình khó khăn, khi lực lượng chức năng triển khai lên đến hiện trường thì các đối tượng bỏ chạy hết.

"Một số địa phương có mỏ cát chưa được cấp phép, các đối tượng đưa phương tiện để khai thác nhỏ lẻ, hoạt động cảnh giới của họ rất tinh vi. Lực lượng công an đã sử dụng rất nhiều phương tiện, kể cả bay flycam quan sát, ghi hình nhưng các đối tượng cử lực lượng cảnh giới nhiều tầng, nhiều lớp, kể cả trèo lên ngọn cây để cảnh giới", đại diện Công an tỉnh Bình Định nói.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 2.

Ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc BQL Dự án giao thông tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Lê Thanh Tùng – Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho rằng, việc quản lý tài nguyên khoáng sản cần phải có sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương. Trong đó, cần đánh giá đúng trữ lượng, tránh gây thất thoát ngân sách.

Chia sẻ về công tác quản lý, ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc BQL Dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, vừa rồi Ban lắp đặt camera có chức năng kiểm đếm, để kiểm soát từ mỏ vật liệu, cũng như tại các vị trí công trình.

"Chúng tôi lắp đặt và cho chạy thử tại 1 mỏ cát ở huyện Tây Sơn và cho thấy rất hiệu quả, kiểm soát gần như là 24/24 việc ra vào mỏ cũng như đảm bảo vận chuyển vật liệu đến đúng mục đích sử dụng, không thất thoát", ông Phong nói đồng thời cho biết, việc này sau đó cũng được UBND tỉnh cho phép áp dụng triển khai đồng bộ trên các dự án. 

Ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho hay, việc vận chuyển vật liệu như đất, cát còn rơi vãi trên đường rất nhiều. Đặc biệt, dùng phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Vừa rồi, Sở đã mời 2 đơn vị đến để làm việc để chấn chỉnh tình trạng này.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh Bình Định, lắp cân tự động để giám sát tải trọng trên đường, và hiện nay đang thí điểm tại 2 vị trí trên Quốc lộ 19C và Quốc lộ 19 mới. Theo ông Dũng, về lâu dài, nếu giải pháp này thật sự hiệu quả, Sở sẽ tiếp tục tham mưu để lắp trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại các vị trí mỏ.

"Ngành chức năng của tỉnh đã thấy vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, song chưa giải quyết được vấn đề vì còn vướng cơ chế nhà nước. Bản thân chúng tôi làm gần như là các công trình ngân sách nhà nước, để giải quyết các vấn đề tiến độ, tôi có cảm giác như chúng tôi là những kẻ trộm đi chở từng xe cát, xe đá vào", đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định nêu ý kiến.

"Tạo điều kiện vì cái chung nhưng phải đúng quy định, không phải giỡn chơi"

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, công tác quản lý, hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua cơ bản chặt chẽ, đồng bộ đã tạo điều kiện thúc đẩy các công trình trên địa bàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước.

So với các địa phương khác, Bình Định chưa phải điểm nóng về quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý giá tốt, không có chuyện đầu cơ các mỏ đất, cát…

Về việc các đại biểu phản ánh về việc xử lý các thủ tục cấp một mỏ đất, cát, đá rất nhiêu khê, ông Thanh cho hay lãnh đạo tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị các cấp nhưng cũng phải theo luật quy định.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 4.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định Trần Đình Chương. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều doanh nghiệp lợi dụng về tiến độ công trình để khai thác nhưng không hoàn thành hồ sơ. Quá trình khai thác vận chuyển ảnh hưởng đến môi trường, vi phạm an toàn giao thông…

"Quan điểm của tỉnh, các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, các công trình trọng điểm, cao tốc Bắc - Nam, bằng mọi cách tỉnh sẽ hỗ trợ trong điều kiện luật quy định, đúng tiến độ", ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai là ở cấp địa phương, đặc biệt là cấp xã. 

"Khi cấp mỏ khoáng sản lấy ý kiến cộng đồng dân cư, từ xã lên nhưng khi bắt đầu khai thác thì doanh nghiệp muốn khai thác kiểu gì thì khai thác, còn chính quyền thiếu kiểm tra, xử lý. Đây là khâu còn hạn chế", ông Tuấn Thanh nhìn nhận.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 5.

Sạt lở trên sông Hà Thanh đi qua xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc quản lý tài nguyên khoáng sản là tạo điều kiện hỗ trợ vì cái chung, nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. "Việc này không thể giỡn chơi", ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, trong thời gian đến cần rà soát lại toàn bộ quy trình thủ tục cấp phép, việc nào rút ngắn được mà không phải thuộc vào tiêu chí cứng bắt buộc thì đề xuất để có giải pháp. 

Tuân thủ việc lắp đặt camera, trạm cân. Đặc biệt là camera có chức năng kiểm đếm, thậm chí tính được cả khối lượng và truyền về cho các cơ quan quản lý nhà nước. Camera phải được lắp đặt tại 2 đầu, đi và đến. 

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng và vận chuyển khoáng sản.

Bình Định: "Nếu khai thác cát làm công trình 1 tỷ nhưng để sạt lở mất mấy chục tỷ, thì không nên" - Ảnh 6.

Bình Định chưa phải "điểm nóng" về khai thác tài nguyên khoáng sản. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị, Sở TN&MT phối hợp với Cục thuế tỉnh tăng cường kiểm tra trữ lượng với việc nộp thuế của các doanh nghiệp. Hướng tới việc xem xét cấp mỏ tập trung để thuận tiện cho việc quản lý. 

Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành rà soát, khảo sát lại việc khai thác cát ở các dòng sông, tránh để tình trạng sạt lở, lưu ý phối hợp với Sở TN&MT trong việc cấp phép cũng như phương án khai thác làm sao để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ công trình, nhưng phải đảm bảo vấn đề hồ đập. 

"Khai thác cát ở các sông Hà Thanh, Sông Kôn, Lại Giang cần khảo sát lại, khai thác để làm công trình 1 tỷ mà để sạt lở bờ sông mất mấy chục tỷ, thì không nên. Đây là trách nhiệm chung nên Sở NNPTNT lưu ý, phối hợp cùng Sở TN&MT xem xét về việc cấp phép, phương án khai thác như thế nào, vừa tạo vật liệu phục vụ công trình, vừa đảm bảo an toàn hồ đập, phục vụ nước tưới cho người dân", ông Tuấn Thanh yêu cầu. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, Sở GTVT phối hợp với Công an kiểm soát xe quá khổ, quá tải, quá trình chở đất, cát, đá làm ảnh hưởng đến môi trường. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, thực hiện nhanh đề án lắp đặt các trạm cân tự động để giám sát… theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem