Bình Định: Ngư dân đánh bắt cá ngừ bằng công nghệ Nhật Bản

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 27/05/2016 13:30 PM (GMT+7)
Hiện nay, ngư dân đã quen với thiết bị từ Nhật Bản và đang hy vọng sản phẩm đánh bắt được sẽ có chỗ đứng tại thị trường thế giới.
Bình luận 0

Từ đề án “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi”, 25 tàu cá của ngư dân Bình Định đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương. 

Ngư dân phấn khởi

Ngay sau khi những tàu cá tham gia Đề án đánh bắt trở về, các chuyên gia thủy sản của Việt Nam và Nhật Bản đã đến cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) hoặc cảng cá Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) để chọn những con cá đạt chất lượng đưa đi xuất khẩu tại Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, các tàu cá tham gia Đề án đã có 3 đợt vận chuyển cá ngừ đại dương sang Nhật Bản để tham gia phiên đấu giá.

img

Ngư dân Bình Định đang dần quen với thiết bị câu cá ngừ đại dương từ Nhật Bản. Ảnh: D.T

Ngư dân Nguyễn Văn Việt (chủ tàu cá BĐ 97244, 400CV) cho biết, hầu hết ngư dân Bình Định đã sử dụng thành thạo công nghệ, ngư cụ Nhật, các tàu cá đều được trang bị hầm bảo quản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có những thiết bị mang từ Nhật chưa phù hợp với ngư trường Việt Nam. Vì vậy, cần  linh hoạt vận dụng và hoàn thiện thiết bị để giúp việc đánh bắt đạt được hiệu quả hơn.

"Với 25 tàu tham gia Đề án, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu sang Nhật Bản 3 đợt, trong đó giá cá ngừ đại dương cao nhất là 320.000 đồng/kg (tại thị trường Bình Định giá chỉ khoảng 90.000 đồng/kg). Hiện nay, tỉnh Bình Định đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển”. 
Ông Phan Trọng Hổ

Ông Việt cho biết: “Trước đây, tàu của tôi có 7 anh em tham gia đánh bắt, khai thác khoảng 2 tấn cá mới đủ chi phí cho thuyền viên. Bây giờ, nếu cá ngừ đại dương chúng tôi đánh bắt đủ chất lượng xuất khẩu sang Nhật, dù khai thác ít vẫn có lãi vì thị trường Nhật giá rất cao. Giá cá ngừ đại dương tại thị trường Việt Nam chỉ dao động khoảng 90.000 đồng/kg, sang Nhật Bản có khi lên đến 300.000 đồng/kg, chúng tôi đang cố gắng”. Sau nhiều lần được trực tiếp học hỏi kinh nghiệm đánh bắt từ người Nhật, ông Việt cho rằng, cách bảo quản, xử lý cá ngừ đại dương theo quy trình được hướng dẫn bởi người Nhật không khó.

Ngư dân  Bùi Văn Xếp (thuyền viên tàu cá BĐ 96034 TS) cho rằng: “Ưu điểm lớn nhất của trang thiết bị Nhật là bộ phận Socker, bộ phận gây tê cá rất nhanh, làm cá tê liệt nhanh, không giãy giụa. Tuy nhiên, nhiều thiết bị cần được thay đổi để phù hợp với cách đánh bắt của ngư dân. Hy vọng, khi xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ có thương hiệu cá ngừ đại dương do chúng tôi đánh bắt”.

Nâng cao chất lượng

Hiện nay, Công ty CP Thủy sản Bình Định là doanh nghiệp tiên phong tham gia Đề án “Khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi”  nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương theo chuỗi với mục đích xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

img

Cá ngừ đại dương được kiểm tra đủ tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. ảnh: D.T 

Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho biết: “Các ngư dân của 25 tàu cá tham gia Đề án đang dần thuần thục với cách khai thác mới. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ kiểm định cá ngừ đại dương tại địa phương đã có sự nâng cao chuyên môn rõ rệt. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi doanh nghiệp quyết định mua cá ngừ đại dương chất lượng tốt với giá tương ứng để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp”.

Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, cho biết: “Đề án ứng dụng công nghệ của Nhật Bản trong khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Bình Định được chia thành 2 công đoạn. Năm 2016 là thử nghiệm và ngư dân đã quen dần với công nghệ từ Nhật Bản. Năm 2017, sẽ chính thức bắt đầu phát huy công nghệ”.

img

Bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định 
tặng bằng khen cho hội viên xuất sắc. Ảnh: D.T

Hội ND Bình Định luôn đứng cùng ngư dân!

Nhiều năm qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định đã có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực để ngư dân yên tâm bám biển. Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định. Bà Mai cho biết: Bình Định có gần 8.000 tàu cá (3.850 tàu khai thác xa bờ) với hơn 37.000 lao động nên sản lượng khai thác của ngư dân đạt trên 200.000 tấn mỗi năm. Ngư dân Bình Định khai thác chủ yếu tại các ngư trường truyền thống như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Thời gian qua, ngư dân gặp không ít khó khăn. Công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch trên tàu chưa tốt, tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt vì vi phạm lãnh hải vẫn xảy ra. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân bị tàu nước ngoài gây hấn, uy hiếp.

Trước những khó khăn trên, với tư cách là “thủ lĩnh” nông dân Bình Định, bà đã có những giải pháp nào để hỗ trợ ngư dân?

- Hội ND Bình Định đã tích cực vận động, hướng dẫn ngư dân các thủ tục đăng ký thành lập các tổ, đội tàu đoàn kết khai thác thuỷ sản trên biển. Các tổ, đội này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và 4 cùng (cùng: nghề, ngư trường, nơi cư trú, gia đình hoặc là bạn bè của chủ tàu). Mỗi tổ, đội tàu đánh bắt cá xa bờ từ 3-5 tàu. Hiện tại, Bình Định có 451 tổ đoàn kết với hơn 1.829 tàu tham gia, giúp ngư dân gắn kết hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác… 

Hội cũng cùng các ngân hàng tín chấp cho ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán đóng mới tàu thuyền khoảng 200 tỷ đồng với gần 6.000 hộ vay. Tiến hành cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với 5 dự án (1,15 tỷ đồng cho 65 hộ vay). 

Thời gian tới, Hội có những chương trình, chính sách gì để  hỗ trợ ngư dân bám biển?

- Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, phối hợp các ngân hàng đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất, cải hoán, đóng mới tàu… Các cấp Hội sẽ song hành với ngành NNPTNT để mở lớp tập huấn về kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản. Đặc biệt, phát triển việc đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản để nâng cao giá trị sản phẩm, xuất sang thị trường nước ngoài.

Xin cảm ơn bà!

Tuấn Dũ (thực hiện)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem