Bình Dương thực hiện những giải pháp cần thiết nào để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất?

Văn Dũng Thứ tư, ngày 08/12/2021 10:31 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 3 – HĐND tỉnh Bình Dương khoá X, Giám đốc Sở Công Thương và Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Bình luận 0

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Trả lời chất vấn các đại biểu về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, giai đoạn dịch bệnh thời gian qua là một khó khăn rất lớn với cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. 

Đến nay, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, thực hiện phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".  Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn tồn tại và chưa thể khắc phục trong một thời gian ngắn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, Sở Công Thương sẽ triển khai đồng thời các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. 

Bình Dương thực hiện những giải pháp cần thiết nào để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất? - Ảnh 1.

Công nhân khi quay trở lại Bình Dương để làm việc sẽ được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Ảnh: Văn Dũng

Cụ thể, những giải pháp ngắn hạn, cấp bách cho giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội như: Tổ chức thực hiện tốt các quy định về thích ứng và ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới đối với các lĩnh vực do ngành quản lý. 

Bên cạnh đó, phối hợp cùng ngành y tế nâng cao năng lực của hệ thống y tế thông qua việc doanh nghiệp cùng cộng đồng chịu trách nhiệm trong xét nghiệm, điều trị F0, hình thành trạm y tế lưu động...

Đảm bảo hoạt động an toàn phòng chống dịch khi mở cửa trở lại toàn bộ hệ thống phân phối gồm: Các chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại; đảm bảo chuẩn bị nguồn hàng và đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng sẽ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, gắn với các phương án điều tiết lưu thông hàng hóa, tổ chức hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch bệnh đối với doanh nghiệp, đơn vị thuộc quản lý nhà nước của ngành, kịp thời phát hiện những thiếu sót, khó khăn của doanh nghiệp để kiến nghị các cấp, ngành liên quan tháo gỡ.

Bình Dương thực hiện những giải pháp cần thiết nào để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất? - Ảnh 2.

Công nhân khi quay trở lại nhà máy để lao động, sản xuất đều được đảm bảo các chế độ, phúc lợi. Ảnh: Văn Dũng

Đối với nhóm giải pháp dài hạn, người đứng đầu Sở Công Thương khẳng định tỉnh Bình Dương luôn quan tâm phục hồi chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối. 

Đảm bảo lưu thông thông suốt trên địa bàn tỉnh và giữa Bình Dương với các địa phương khác, kể cả có phương án cho các tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại bằng việc xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. 

Định kỳ tham mưu lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, trong đó phát huy vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp.

Cải thiện, hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thu hút lao động quay trở lại nhà máy

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nguồn lao động quay trở lại nhà máy sau khi dịch được kiểm soát, ông Bùi Minh Trí – Trưởng Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay có 422.499 lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, đạt 87% tổng số lao động trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. 

Như vậy, số lao động trong các khu công nghiệp chưa trở lại làm việc so với trước khi xảy ra dịch Covid-19 là 63.000 (chiếm 13% số lao động trước dịch Covid-19).

Bình Dương thực hiện những giải pháp cần thiết nào để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất? - Ảnh 3.

Trạm y tế lưu động được thành lập trong nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: Văn Dũng

Trước tình hình các doanh nghiệp trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đến các tỉnh thuộc miền Tây, 3 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam để trao đổi về việc phối hợp với tỉnh Bình Dương hỗ trợ người lao động quay lại làm việc. 

BQL các khu công nghiệp Bình Dương cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ngoài ra, BQL các khu công nghiệp Bình Dương cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư các khu công nghiệp thành lập và vận hành các trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho người lao động nói chung và tham gia phối hợp điều trị người lao động bị nhiễm Covid-19 nói riêng. 

Đến nay, hầu hết các khu công nghiệp đã có trạm y tế lưu động. 

Về lâu dài, Bình Dương đã khởi động chương trình nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nâng cấp nhà trọ với chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động với giá phù hợp để tạo điều kiện cho họ an cư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem