Bình Phước: Xác minh vụ phá rừng và để hơn 8.000m3 gỗ “tự mục tại hiện trường”

Hoàng Hưng Thứ tư, ngày 09/06/2021 18:26 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định thành lập tổ xác minh liên ngành, nhằm xác minh 2 sự vụ đang gây nhức nhối dư luận suốt 2 năm qua ở tỉnh Bình Phước.
Bình luận 0

Ngày 9/6, nguồn tin từ tỉnh Bình Phước cho biết, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - đã ra quyết định, về việc thành lập tổ xác minh liên ngành.

Tổ xác minh này có nhiệm vụ xác minh việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra kết luận nội dung tố cáo, đối với ông Nguyễn Hữu Hiền – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Lộc – phá rừng.

Đồng thời, tổ xác minh cũng xác minh làm rõ việc hoàn trả tiền cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng.

Bình Phước: Xác minh vụ phá rừng và để hơn 8.000 m3 gỗ “tự mục tại hiện trường” - Ảnh 1.

Vụ phá rừng tại tiểu khu 363, do Nguyễn Đặng An - nhân viên Công ty TNHH TMDV Hồng Phúc thực hiện. Hàng chục cây rừng lâu năm đã bị An cưa hạ. Ảnh: H.H

Như Dân Việt ngày 7/2/2020 đã đăng bài "Hơn 8.000m3 gỗ bị mục nát, hư hỏng, chỉ "nghiêm túc rút kinh nghiệm". Kế đó, ngày 27/2/2020, báo Dân Việt tiếp tục đăng bài "Rừng Bình Phước đang bị… rỗng ruột". Nội dung 2 bài báo trên phản ánh hiện trạng phá rừng và hàng nghìn khối gỗ được khai thác từ các dự án như "chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su", đang bị bỏ ngổn ngang, mục nát nơi cửa rừng…

Để xử lý số lượng hàng nghìn khối gỗ này, UBND tỉnh Bình Phước đã "thuận chủ trương tiêu hủy". Theo UBND tỉnh Bình Phước, tổng cộng số gỗ do khai thác từ các dự án liên quan đến rừng, là trên 8.079,9m3, thuộc nhóm II - nhóm VIII.

Đây là số gỗ mà các doanh nghiệp được phép khai thác từ các dự án, trước khi Chính phủ ra quyết định đóng cửa rừng vào tháng 8/2016. Vì lệnh cấm khai thác, cấm vận chuyển gỗ từ rừng tự nhiên; nên ở tỉnh Bình Phước "mắc kẹt" hơn 8.000m3 gỗ chưa thể vận chuyển ra khỏi rừng.

Bình Phước: Xác minh vụ phá rừng và để hơn 8.000 m3 gỗ “tự mục tại hiện trường” - Ảnh 3.

Mặc dù cơ quan chức năng cho rằng gỗ được khai thác trước khi Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng; nhưng trên thực tế, gốc cây rừng bị cưa hạ, còn tươi nguyên. Ảnh: H.H

Nguyên nhân phải "tiêu huỷ" 8.079,9m3 gỗ theo UBND tỉnh Bình Phước, là do "toàn bộ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng, mục nát, không còn sử dụng được".

Đặc biệt, hình thức tiêu hủy số lượng gỗ nói trên theo UBND tỉnh Bình Phước là "để tự mục tại hiện trường" (?).

Điều đáng nói, ngoài số gỗ hơn 8.000m3 bị hư hỏng, mục nát, lãng phí, không sử dụng được  thì tỉnh Bình Phước còn phải "hoàn trả cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng". Tức là Nhà nước phải tốn kém nhiều tỷ đồng trả lại cho những doanh nghiệp đã vào rừng khai thác số gỗ, hiện đang bị mục nát, hư hỏng tại hiện trường.

UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cho Sở Tài chính tìm nguồn kinh phí để hoàn trả 11,1 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp mua gỗ tận thu trên địa bàn tỉnh. 4 doanh nghiệp được hoàn trả tiền gồm: Tổng Công ty Nông lâm nghiệp Việt Nam (2,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Công Thành (2 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Phát Lộc (3,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH TMDV Hồng Phúc (3,2 tỷ đồng).

Bình Phước: Xác minh vụ phá rừng và để hơn 8.000 m3 gỗ “tự mục tại hiện trường” - Ảnh 5.

Ông Trần Đức Lý - trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - là người đứng đơn tố cáo vụ phá rừng và vụ để hàng nghìn khối gỗ mục nát, lãng phí, do khai thác từ "chuyển đổi rừng nghèo kiệt...". Ảnh: H.H

Theo ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, báo cáo này cho biết: "Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án đang thực hiện khai thác lâm sản và đã tạm dừng việc khai thác và tiêu thụ lâm sản, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trên hiện trường của 10 dự án này đều có lâm sản đã khai thác, nhưng chưa được vận chuyển (tức lâm sản còn tồn - PV)".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, ngoại trừ Dự án "Trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp" do chưa có kết luận của Cơ quan điều tra, qua kiểm tra tại 9 dự án khác ở những khu vực đã khai thác, khu vực lâm sản được tập kết, đa phần lâm sản đã có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là cây gỗ lớn.

Bình Phước: Xác minh vụ phá rừng và để hơn 8.000 m3 gỗ “tự mục tại hiện trường” - Ảnh 6.

Hàng trăm khối gỗ khai thác từ các dự án bị bỏ hoang, tự mục nát tại chốt kiểm lâm cửa rừng Suối Nhung, huyện Đồng Phú. Ảnh: H.H

Câu hỏi đặt ra lâu nay, với số lượng gỗ hơn 8.000m3 trên, các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ như thế nào mà để dẫn tới mục nát, hư hỏng, dẫn tới bỏ mục tại hiện trường? Chưa hết, Nhà nước lại phải tốn kém 11,1 tỷ đồng để hoàn trả cho các doanh nghiệp chặt hạ cây rừng (?!). Trách nhiệm gây ra lãng phí này thuộc về ai?

Ngoài ra, tại khu vực rừng Suối Nhung, huyện Đồng Phú, người dân đã tố cáo đích danh ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Lộc - có dấu hiệu liên quan đến việc phá rừng ở tiểu khu 363…

Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có xác minh và kết luận vụ việc trên là không có sai phạm (?); tuy nhiên, đơn thư tố cáo của người dân vẫn không đồng tình với việc trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tiếp tục khiếu nại.

Gần đây, ngày 24/5, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, với chỉ đạo kiểm tra, rà soát và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong sự vụ này theo quy định của luật pháp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem