Bloomberg phân tích bằng chứng nền kinh tế toàn cầu đã bước vào suy thoái
Nhu cầu tiêu dùng lao dốc
Mỹ hồi cuối tuần trước báo cáo gần 10 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần, qua đó dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong những tháng tiếp theo. Nhưng không riêng nền kinh tế số 1 thế giới, hàng loạt dữ liệu kinh tế từ các quốc gia khác cũng đang phản ánh cách đại dịch Covid-19 làm tê liệt hoạt động tiêu dùng từ những cường quốc thương mại đến những thị trường mới nổi.
Tại Đức, lượng đăng ký xe mới vào tháng 3 - thường là tháng cao điểm trong năm đã giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này ở Mỹ thậm chí giảm 44%. Doanh số bán xe ở Nam Phi giảm mạnh 30%. 3 trong số các nền kinh tế lớn nhất của Bán đảo Ả Rập chứng kiến sự giảm tốc. Chỉ số dịch vụ ở Brazil xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tại Australia, nơi nền kinh tế không chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế nào trong 3 thập kỷ qua, tuyển dụng việc làm cũng đang có dấu hiệu suy giảm mạnh nhất từ năm 2009.
Ông Roberto Azevedo, tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO nhận định: “Toàn bộ chuỗi cung ứng đã gánh chịu những dư chấn đáng kể. Trên nhiều khía cạnh, bức tranh kinh tế hiện tại còn ảm đạm hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009”. Ông Azevedo cho hay WTO đang dự kiến các kịch bản tồi tệ hơn cả mức giảm 12,6% trong hoạt động thương mại toàn cầu và mức thu hẹp 2% GDP kinh tế thế giới hồi như những gì diễn ra hồi năm 2009. Triển vọng ảm đạm như vậy cũng thống nhất với những dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới về một cuộc suy thoái kinh tế lớn trong năm nay.
Công cụ theo dõi GDP toàn cầu của Bloomberg chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái nhanh hơn rất nhiều những ngày đầu diễn ra khủng hoảng tài chính 2008-2009. Những dữ liệu kinh tế sơ bộ chỉ ra kinh tế thế giới đã giảm tốc 0,5% trong tháng 3, tăng mạnh từ mức giảm 0,1% hồi tháng 2.
Nền kinh tế gián đoạn, trì trệ
Từ Ấn Độ đến Italy, việc phong tỏa quốc gia do dịch Covid-19 đã buộc hàng triệu doanh nghiệp đóng cửa, hàng tỷ người dân phải ở nhà trong nhiều tuần, gây ra cú sốc cung và cầu đồng thời trong nền kinh tế.
Các công ty toàn cầu đang cảnh báo rằng còn quá sớm để ước tính sự sụt giảm hoặc đánh giá các thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra với doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Nhưng những tác động ban đầu từ việc kinh tế trì trệ đã thúc đẩy hàng loạt chính phủ Châu Âu và Mỹ tăng cường những khoản viện trợ khổng lồ cho doanh nghiệp, người dân để ngăn chặn thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng vỡ nợ, phá sản.
Airbus, hãng sản xuất máy bay của Châu Âu với khoảng 135.000 người lao động đã gửi tâm thư đến cán bộ nhân viên hồi cuối tuần trước rằng việc phục hồi hoạt động trong thời gian ngắn là không khả thi vì hãng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu linh kiện sản xuất do chuỗi cung ứng gián đoạn, cũng như không thể giao hàng máy bay mới đến các đối tác vì nhiều chính phủ đang cắt giảm tối đa các chuyến bay.
FedEx, công ty vận chuyển lớn nhất nước Mỹ cảnh báo sự gián đoạn kinh tế toàn cầu có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của hãng. Dịch vụ giao hàng quốc tế chiếm tới hơn một nửa doanh thu của FedEx. Công ty hiện đang phải thực hiện các bước xem xét cắt giảm chi phí hoạt động để quản lý dòng tiền và thanh khoản trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Viễn cảnh ảm đạm
Bloomberg phân tích rằng mức giảm GDP toàn cầu hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian các chính phủ duy trì biện pháp phong tỏa hoặc cách ly xã hội. Trong đó, nhiều quốc gia thậm chí cảnh báo các biện pháp “khóa chặt” có thể kéo dài đến tháng 5 hoặc tháng 6, khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng vọt đáng quan ngại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (trụ sở Paris) ước tính rằng cứ mỗi tháng thực hiện phong tỏa cách ly như vậy, GDP toàn cầu sẽ mất đi 2 điểm phần trăm.
Liên đoàn Lao động Thế giới đã cảnh báo khoảng 25 triệu người lao động có nguy cơ mất việc nếu các quốc gia không nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Cho đến chừng nào dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, nền kinh tế sẽ chỉ luẩn quẩn trong vòng quay sụt giảm cả về sản lượng sản xuất và nhu cầu thương mại, qua đó làm xấu đi triển vọng doanh thu, việc làm và đầu tư doanh nghiệp, nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Đáng báo động là những diễn biến của dịch bệnh cho đến nay vẫn chưa mở ra một viễn cảnh phục hồi nào khả quan trong tương lai gần.