Hàng loạt quốc gia dự báo viễn cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19

28/03/2020 11:00 GMT+7
Hàng loạt quốc gia tuyên bố phong tỏa đất nước, 6/10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng cửa mọi doanh nghiệp không cốt lõi đã phần nào báo trước những tác động kinh tế to lớn do dịch Covid-19 gây ra.
Hàng loạt quốc gia dự báo viễn cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế toàn cầu khó tránh suy thoái trong năm 2020

Singapore đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái kinh tế, khi số liệu cho thấy các doanh nghiệp nước này đang chật vật trước hậu quả kinh tế của đại dịch virus corona. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên báo cáo số liệu tăng trưởng GDP quý I, và là một trong những quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cho thấy những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Nền kinh tế Singapore sụt giảm 10,6% trong quý I/2020, theo báo cáo mới đây. Chính phủ nước này ước tính tăng trưởng GDP cả năm sẽ giảm trong khoảng từ 1% - 4%. Mức giảm này có thể vượt xa năm 1998, khi tăng trưởng kinh tế giảm 2,3% trong năm kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965. Sự giảm tốc mạnh mẽ như vậy bị đổ lỗi cho các hoạt động sản xuất đồng thời bị gián đoạn trực tiếp bởi lệnh giới nghiêm, phong tỏa của nhiều qốc gia nhằm ngăn chặn lây lan đại dịch.

Selena Ling, giám đốc nghiên cứu chiến lược dự trữ ngân hàng OCBC Bank ở Singapore cho rằng ba yếu tố tiên quyết của tăng trưởng bao gồm hoạt động nhà máy, dịch vụ và xây dựng đều chịu tác động tiêu cực từ đại dịch. Bà Selena cũng khẳng định quý I có thể chưa phải là giai đoạn sụt giảm nhất của nền kinh tế, do đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia láng giềng cũng phải đối mặt với tình hình không mấy sáng sủa.

Ở Thái Lan, ngân hàng trung ương dự báo GDP năm 2020 sẽ giảm 5,3%, đảo ngược hoàn toàn dự báo tăng 2,8% trước đó. Xứ Chùa Vàng đang phải đối mặt với lực cản to lớn trong ngành du lịch, xuất khẩu… khi đại dịch bùng phát. Nền kinh tế Thái Lan đã cho thấy những dấu hiệu chao đảo sau khi nước này buộc phải hạn chế nhập cảnh khách du lịch - vốn là nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước. Hiện Thái Lan được xếp vào những quốc gia có khả năng suy thoái nặng nề nhất Châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, theo Bloomberg. Đồng Baht Thái giảm 6% giá trị so với USD.

Chính phủ Ấn Độ mới đây cũng công bố gói hỗ trợ 22,5 tỷ USD nhằm trợ giúp người nghèo trong khoảng thời gian phong tỏa quốc gia nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho hay số tiền sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm và trợ cấp tiền mặt cho 2/3 dân số quốc gia có đến 1,3 tỷ người này. Chính phủ Ấn Độ cũng đồng thời cung cấp gói bảo hiểm trị giá 5 triệu rúp cho hơn 2 triệu nhân viên y tế của quốc gia, thêm vào đó là khoản trợ cấp lương 1.000 rúp cho hơn 30 triệu người dân. 

Cho đến nay, Ấn Độ ghi nhận 649 ca nhiễm Covid-19 và 13 ca tử vong. Con số này được dự đoán sẽ tăng thêm, bất chấp lệnh phong tỏa đất nước 3 tuần cho đến 14/4 nhằm ngăn chặn con số lây lan. 

Ở Châu Âu, số liệu kinh tế từ Pháp cho thấy tâm lý tự tin kinh doanh đang giảm mạnh nhất kể từ năm 1989, trong khi khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu GfK cho thấy nhu cầu tiêu thụ ở Đức ngày càng sụt giảm. Hà Lan và Ireland được dự đoán mức tăng trưởng giảm 7% trong năm nay.

Tại Mỹ, tổn thất kinh tế do đại dịch vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Các nhà phân tích dự báo Mỹ không tránh khỏi tương lai suy thoái, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này vượt quá 100.000 người. Nhiều chuyên gia cho rằng GDP quý I của Mỹ sẽ giảm xuống mức âm, thậm chí hệ quả kinh tế sẽ được thể hiện rõ hơn trong quý II. Hầu hết các ngân hàng dự đoán mức tăng trưởng GDP từ -24.0% (Goldman Sachs) đến -14.0% (JP Morgan) và -3.2% (Moody’s). Sự khác biệt trong số liệu dự đoán này là minh chứng cho thực tế không mấy “an toàn” và chắc chắn với nền kinh tế nước này.

Vân Anh
Cùng chuyên mục