Bỏ Bitcoin mở đường cho đồng tiền mã hóa Nhân dân tệ, Trung Quốc toan tính điều gì?

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 06/10/2021 09:47 AM (GMT+7)
Trung Quốc đang nắm giữ hơn 194.000 đồng Bitcoin nhiều thứ hai thế giới sau công ty Grayscale.
Bình luận 0

Lịch sử đầy biến động của Trung Quốc với tiền điện tử

Là một phần của nhiệm vụ mong muốn trở thành một nền kinh tế tiên tiến, Trung Quốc ban đầu dường như chấp nhận tiền điện tử. Năm 2011, chỉ hai năm sau khi bitcoin ra đời, đất nước này đã mở sàn giao dịch bitcoin đầu tiên. Đến năm 2016, với tư cách vừa là trung tâm giao dịch vừa là nhà sản xuất thiết bị dùng để khai thác bitcoin, Trung Quốc đã trở thành một nước có ảnh hưởng sâu rộng trong ngành.

Nhưng kể từ năm 2012, khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, lĩnh vực tiền điện tử đó đã thay đổi. Ngày càng thấy rõ bản chất của tiền điện tử có thể được phát hành tự do bởi các công ty tư nhân, cá nhân và cho phép thực hiện các giao dịch phi tập trung và ẩn danh, điều này lại hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận điều hành của Chính phủ Trung Quốc đối với một nền kinh tế kỹ thuật số đặc thù dưới thời ông Tập.

Trung Quốc đang siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin và một số chuyên gia lo ngại rằng ảnh hưởng đến môi trường của tiền điện tử nói chung. Ảnh: @AFP.

Trung Quốc đang siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin và một số chuyên gia lo ngại rằng ảnh hưởng đến môi trường của tiền điện tử nói chung. Ảnh: @AFP.

Đánh giá về căng thẳng quy định và đàn áp tiền điện tử đang diễn ra ở Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng kết luận rằng, quốc gia này là nơi nghiêm ngặt nhất đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tiền kỹ thuật số. Hầu hết các sàn giao dịch và thợ đào hoạt động trong nước đã phải đóng cửa hoặc di chuyển sang các khu vực khác. Nhưng giữa tất cả những ồn ào này, bạn có biết chính phủ Trung Quốc vẫn sở hữu Bitcoin nhiều thứ 2 thế giới không?

Trung Quốc đang nắm giữ lượng Bitcoin nhiều thứ hai thế giới

Theo thông tin mà trang Kevin Rooke đăng tải, chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ hơn 194.000 đồng BTC, tương đương gần 10,8 tỷ USD theo thị giá hiện tại. Số tài sản này chiếm 0,9% tổng nguồn cung đang lưu hành của Bitcoin. Số Bitcoin chính phủ Trung Quốc đang sở hữu chủ yếu là tài sản được thu giữ từ tội phạm và các hoạt động bất hợp pháp.

Lượng Bitcoin mà chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ hiện đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng Who Holds All The Bitcoin (Ai đang nắm giữ tất cả số Bitcoin) của trang Kevin Rooke. Số Bitcoin đất nước này hiện có chỉ đứng sau Grayscale, một công ty quản lý các quỹ đầu tư tiền mã hóa. Grayscale được báo cáo nắm giữ 653.632 đồng BTC, trị giá hơn 27 tỷ đô la và cũng chiếm khoảng 3,1% tổng nguồn cung Bitcoin. 

Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc tục tăng cường đàn áp tiền mã hóa. Chỉ thị từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo là bất hợp pháp, cắt quốc gia này khỏi các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài. Điều đó có thể dẫn đến sự trừng phạt đối với các nhà đầu tư giao dịch với các sàn giao dịch ở nước ngoài.

Đàn áp bitcoin, Trung Quốc đang toan tính điều gì?

Vào năm 2019, khi Facebook đang mơ về một dự án tiền điện tử có tên Libra, Mu Changchun, một quan chức hàng đầu của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cảnh báo rằng một loại tiền kỹ thuật số "siêu chủ quyền" do tư nhân phát triển "chắc chắn là một mối đe dọa" đối với cơ quan ngân hàng trung ương.

Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đã buộc các "thợ đào" đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin phải bỏ trốn ra nước ngoài. Ảnh: @AFP.

Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đã buộc các "thợ đào" đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin phải bỏ trốn ra nước ngoài. Ảnh: @AFP.

Cùng năm đó, Mu được bổ nhiệm làm trưởng nhóm chuyên phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc - một ý tưởng lấy cảm hứng từ tiền điện tử, đồng thời trao lại quyền kiểm soát cho Bắc Kinh. Giờ đây, Trung Quốc bắt đầu thực thi cuộc đàn áp khó khăn nhất đối với tiền điện tử Bitcoin để mở đường cho đồng tiền mã hóa Nhân dân tệ (eCNY) của ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC).

Trong việc thiết kế và chuẩn bị quảng bá tiền ảo đồng tiền mã hóa Nhân dân tệ (eCNY) của ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC), chính phủ Trung Quốc có ba mục tiêu lớn gồm: muốn có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách dòng tiền đang chảy trong nước, cũng như giúp cải thiện chính sách tiền tệ và cũng để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả rửa tiền...

Thứ hai nhằm mục đích giành lại quyền kiểm soát đối với các khoản thanh toán ngày càng được trung gian chi phối bởi các công ty tư nhân như Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent. Là một phần của cuộc đàn áp quy định rộng hơn đối với công nghệ, cả hai công ty này đều phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền và áp lực chia sẻ dữ liệu với nhà nước.

Và cuối cùng Trung Quốc mong muốn sẽ thúc đẩy vị thế và danh tiếng của đồng tiền mã hóa Nhân dân tệ (eCNY) của ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC) ra toàn cầu.

Hồi tháng 5/2021, chính quyền Trung Quốc ra lệnh trấn áp hoạt động đào Bitcoin trên toàn quốc. Ngay sau đó, các cơ sở đào Bitcoin tại Nội Mông đồng loạt đóng cửa. Ảnh: @AFP.

Hồi tháng 5/2021, chính quyền Trung Quốc ra lệnh trấn áp hoạt động đào Bitcoin trên toàn quốc. Ngay sau đó, các cơ sở đào Bitcoin tại Nội Mông đồng loạt đóng cửa. Ảnh: @AFP.

Sau cuộc đàn áp của chính quyền, nền công nghiệp khai thác tiền số tại Trung Quốc gần như tê liệt. Nhiều trang trại đào Bitcoin ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động, chuyển máy đào sang nước khác để tiếp tục khai thác.

Các công ty khai thác đang tìm kiếm các địa điểm mới nơi họ được chào đón cũng như có chế độ quản lý thân thiện với tiền điện tử điển hình như Kazakhstan, Uzbekistan và thậm chí là Texas ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, bước chuyển lớn này cũng đã có mặt ở Đông Nam Á mà Singapore là một trong những điểm nóng đầu tiên. Thậm chí, xu hướng này sẽ ngày càng rộng mở hơn khi các hạn chế giãn cách do đại dịch Covid-19 đã dần được nới lỏng hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem