Bộ Công an tiếp tục điều tra sai phạm đất đai ở Bình Thuận
Cơ quan CSĐT Bộ Công an hiện đang thụ lý điều tra dấu hiệu sai phạm tại 9 dự án bất động sản ở Bình Thuận. Cho đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT mới khởi tố 1 vụ án sai phạm tại dự án Khu dân cư thương mại Tân Việt Phát 2 (thành phố Phan Thiết). Tại vụ án này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và bắt tạm giam cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai; cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải; cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh và Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn.
Đều có dấu hiệu vi phạm
Trong 2 dự án mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa để phục vụ điều tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vào ngày 23/4, có một dự án thuộc lĩnh vực giáo dục. Đó là dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, của Công ty TNHH đầu tư giáo dục Hòa Thắng (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết). Đây là dự án bị công dân tố cáo vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giao đất không thông qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Dự án này có diện tích gần 4.766 m2. Hiện trường mầm non này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9.2021.
Dự án thứ 2 là dự án du lịch Xuân Quỳnh, do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích gần 4 ha, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư từ năm 2001, nhưng doanh nghiệp không triển khai dự án, nhiều lần xin gia hạn. Hiện chủ đầu tư mới chỉ hoàn thiện hàng rào bao quanh dự án mà chưa triển khai xây dựng vì chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Một dự án khác có dấu hiệu “sai phạm nghiêm trọng” bị tố cáo ở thành phố Phan Thiết mà Bộ Công an đang thụ lý điều tra là dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư thuộc phường Đức Long, của Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải. Dự án này có tổng diện tích khoảng 122 ha, nhưng chủ đầu tư mới tập trung vào xây dựng hạ tầng diện tích 26,7 ha (san lấp khu vực biển lở trước đây), tạo quỹ đất nền rồi chia lô để bán. Đây là dự án vấp phải các tố cáo như giao đất không thông qua đấu giá, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 chưa phù hợp với quy định của pháp luật và chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư nhưng đã bán, chuyển nhượng lô nền và đã từng bị cơ quan chức năng của Bình Thuận xử phạt.
Ngoài các dự án trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa tại dự án du lịch Hòn Lan (97 ha) ở huyện Hàm Thuận Nam do Công ty CP Trung Sơn Bắc làm chủ đầu tư; dự án Biển Quê Hương của Công ty vận tải hóa chất Việt Nam, rộng 12 ha, ở xã Tiến Thành (thành phố Phan Thiết) và xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam).
Tất cả các dự án mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đo đạc, tiếp cận hồ sơ để điều tra đều có dấu hiệu sai phạm về quản lý đất đai.
Chủ đầu tư có nhiều dự án bị đo đạc, kiểm tra nhất là Công ty CP Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông). Trong số các dự án của tập đoàn này có dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Đây là dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sân golf Phan Thiết rộng hơn 62 ha. Dự án này bị tố cáo giao đất giá rẻ (2,7 triệu đồng/m2 năm 2017) không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Mặt khác, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không để lại 20% diện tích trong khuôn viên để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, mà hoán đổi sang một nơi khác. Đây cũng là dự án được điều chỉnh quy hoạch từ 62 ha lên gần 65 ha trái với các quy định của pháp luật. Tháng 2/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi chủ trương đầu tư trên phần diện tích (2,5 ha) chênh lệch của dự án này.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết khi đang trong quá trình triển khai đã vấp phải đơn thư tố cáo của công dân gửi các cơ quan Trung ương nhiều nhất. Người đứng ra tố cáo các dấu hiệu sai phạm tại dự án này là một cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận.
Làm “lụi” dự án du lịch sinh thái
Một dự án khác cũng của Tập đoàn Rạng Đông bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa là dự án “Bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý, hiếm (nhóm IB, IIB) và thông thường thuộc xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc” (gọi tắt là dự án rừng dầu Hồng Liêm, diện tích 3.330 ha).
Ngay sau khi Bộ Công an tiến hành kiểm tra thực địa dự án này của Tập đoàn Rạng Đông để phục vụ việc điều tra, xử lý nguồn tin tố giác tội phạm, thì ngày 9/3/2022, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận tiến hành kiểm tra dự án và phát hiện chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình (bungalow, hội trường, đường giao thông, nuôi nhiều loại thú) để phục vụ khai thác du lịch sinh thái trong rừng dầu Hồng Liêm.
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận, các công trình mà chủ đầu tư đã xây dựng nhằm phục vụ khai thác du lịch sinh thái có quy mô lớn như vậy thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã khai thác dự án du lịch sinh thái. Từ đó, Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Rạng Đông hơn 500 triệu đồng và buộc phải hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị cảnh cáo Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 20/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương thông báo kết luận tại kỳ họp thứ 14. Theo đó, trong số các cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật có Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong với mức kỷ luật cảnh cáo do vi phạm các quy định trong tham mưu, chỉ đạo tại một số dự án trên địa bàn Bình Thuận. Theo thông tin của PV Thanh Niên, ông Lê Tuấn Phong bị UBKT T.Ư thi hành kỷ luật cảnh cáo, do thời kỳ giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Bình Thuận, đã tham mưu cho UBND tỉnh giao dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư thuộc phường Đức Long (TP.Phan Thiết) cho Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải không đúng với các quy định của pháp luật (hiện đang bị Bộ Công an điều tra). UBKT T.Ư còn đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 2 cựu Ủy viên T.Ư Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận là các ông Huỳnh Văn Tí và Nguyễn Mạnh Hùng. Ngoài ra, UBKT T.Ư còn đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Lê Tiến Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011-2016; ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 (đã bị bắt giam cùng với cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải). Tất cả các dự án có dấu hiệu sai phạm mà Bộ Công an đang điều tra đều xảy ra ở thời kỳ các vị này điều hành, lãnh đạo ở Bình Thuận. UBKT Trung ương còn đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận 2 nhiệm kỳ (2010 -2015 và 2015-2020); tập thể Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận 2 nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021) do để xảy ra các sai phạm tại các dự án trên. |