Bộ Công Thương nói doanh nghiệp xăng dầu khó vay vốn, không "cưu mang" được đại lý: Thống đốc tiết lộ điều bất ngờ

PVKT Thứ sáu, ngày 28/10/2022 19:14 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương cho rằng, rất cần sự giúp đỡ của ngành ngân hàng trong việc cho vay và bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp xăng dầu tồn tại. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn 44.000 tỷ đồng "chưa dùng đến".
Bình luận 0

Liên quan đến đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá rất chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất cập trong cung ứng xăng dầu để có giải pháp phù hợp.

"Đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong điều hành thì Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng, dầu.

Tại chỉ thị đầu năm, Thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tháng 3/2020 trước sự biến động phức tạp của giá xăng, dầu chúng tôi đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Bộ Công Thương nói doanh nghiệp xăng dầu khó vay vốn, không "cưu mang" được đại lý: Thống đốc tiết lộ điều bất ngờ - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin về vay vốn của các doanh nghiệp xăng dầu.

Cũng theo tiết lộ của tư lệnh ngành ngân hàng, vừa qua Bộ Công Thương có văn bản, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp nhanh số liệu từ các ngân hàng.

Theo đó, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng, dầu hiện nay là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ đồng và hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng "chứ chưa phải đã hết" – theo bà Hồng.

Đối với việc cung ứng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ và riêng 9 tháng đầu năm đối với doanh nghiệp xăng, dầu.

Ví dụ như Nhà máy xăng dầu Nghi Sơn, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Nhà máy xăng dầu Bình Sơn, lượng ngoại tệ bán ra phải 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này.

Trước đó, trong phiên giải đáp những băn khoăn vào sáng nay 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, ngành công thương rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp xăng dầu tồn tại được và có thể "cưu mang" được hệ thống đại lý và cửa hàng bán lẻ của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói: Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi hàng giờ thì nguyên nhân chủ quan trong nước theo chúng tôi đó là, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, room đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá giao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.

"Thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.

Hiện doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem