Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu khả thi xây dựng cảng Trần Đề
Bộ GTVT đã có công văn số 8231/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất sự cần thiết thực hiện Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất sự cần thiết một cách kỹ lưỡng, bài bản, chuyên sâu để làm cơ sở triển khai các bước lập đề xuất chủ trương, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi... Dự án Đầu tư xây dựng khu bến Trần Đề.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án. Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung về tài nguyên và môi trường.
Tính đến đầu tháng 7/2024, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến tham gia của các bộ: tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đối với Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề.
Các Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Đề án như đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng là có thể được xem xét.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định về việc chấp thuận chủ trương lập đề án nghiên cứu xây dựng dự án cảng biển, nên đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu và chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án.
Tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, khu bến cảng Trần Đề (giai đoạn khởi động) thuộc Danh mục Dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2030 với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng.
Khu bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực cửa Trần Đề cách bờ khoảng 17 km, là khu vực biển hở không được che chắn, địa hình đáy biển sâu, kết nối với bờ bằng cầu vượt biển, xây dựng hệ thống đê chắn sóng để tạo thành bể cảng.
Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ, tính toán khoa học và có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn kết cấu công trình, đảm bảo cho tàu vào làm hàng, nâng cao hiệu suất khai thác của bến cảng Trần Đề; đồng thời là cơ sở tính toán nhu cầu vốn đầu tư để kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.
Tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Tờ trình số 10/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lập Đề án Nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư cảng; nhu cầu vốn đầu tư và phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác để đầu tư cảng; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đầu tư cảng…
Sự cẩn trọng của UBND tỉnh Sóc Trăng là điều có thể chia sẻ, bởi ngoài quy mô vốn rất lớn, việc hình thành cảng biển Trần Đề sẽ tác động đến sự dịch chuyển khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của 8/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang và Trà Vinh.
Với cảng Trần Đề, hàng hóa xuất khẩu của khu vực sẽ theo các tàu biển lớn đến thẳng các thị trường Đông Bắc Á, châu Âu và Bắc Mỹ, thay vì phải trung chuyển bằng đường bộ, đường biển qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Cũng tại tờ trình nêu trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan lập Đề án Nghiên cứu tổng thể triển khai cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thành trong năm 2024.
Kết quả nghiên cứu nói trên sẽ giúp chọn ra được phương án đầu tư tối ưu và các chính sách phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm sớm đưa vào khai thác cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.