Bộ KH&ĐT đưa loạt vấn đề cơ chế tài chính khi tách A0 khỏi EVN

23/08/2023 16:26 GMT+7
Trong báo cáo góp ý gửi Chính phủ về đề án tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Bộ KH&ĐT đặt nhiều băn khoăn về cơ chế tài chính khi A0 tách khỏi EVN để hoạt động hiệu quả, an toàn.

Nhiều dấu hỏi về cơ chế tài chính cho A0?

Theo đề án của Bộ Công Thương, A0 sau khi tách khỏi EVN sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO).

Công ty này có kinh doanh chính trong lĩnh vực chỉ huy, điều khiển các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; vận hành hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam và quản lý, bảo trì các hệ thống điện.

Bộ KH&ĐT cho biết, cơ chế tài chính sau khi A0 tách khỏi EVN là việc quyết định cho sự thành công, hiệu quả và an toàn của NSMO, trong đó có cơ chế tư thu và chi. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ hiện tại hơn 454 người của A0 có thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/người/tháng.

Bộ KH&ĐT lên tiếng về cơ chế tài chính khi tách A0 khỏi EVN - Ảnh 1.

Bộ KH&ĐT lêng tiếng về cơ chế tài chính để hoạt đông của A0 khi đơn vị này tách khỏi EVN (Ảnh: EVN).

Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn cùng xác định rõ thời điểm hoàn thành xây dựng thông tư hướng dẫn chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện. Việc này nhằm đảm bảo chi phí cần thiết để NSMO hoạt động và là cơ sở báo cáo Thủ tướng thời điểm hoàn thành tách A0.

"Việc tách A0 từ EVN để lập công ty TNHH MTV chỉ nên xem xét, quyết định khi có các cơ chế tài chính đảm bảo hoạt động và vận hành ổn định", báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nêu.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư băn khoăn về vốn điều lệ của công ty điều độ độc lập sau khi tách khỏi EVN, là 735 tỷ đồng theo đề án. Trong đó, vốn điều lệ tính theo vốn chủ sở hữu đến 30/6/2023 là 630 tỷ đồng và khấu hao cơ bản đã cấp cho các dự án của A0 đang thực hiện, chưa hoàn thành là 105 tỷ.

Bộ KH&ĐT yêu cầu bổ sung căn cứ, hạng mục tài sản hình thành vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của A0 và rà soát các chi phí hoạt động, vốn lưu động, đầu tư để NSMO hoạt động ổn định đến hết 2023 - giai đoạn chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn sang Bộ Công Thương.

Trước đó, về cơ chế tài chính của A0 khi tách khỏi EVN, lập Công ty TNHH MTV thuộc Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ xây dựng cơ chế tài chính, tạo nguồn thu để hoạt động của A0 không bị gián đoạn sau khi tách ra khỏi EVN.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trước mắt, Bộ Tài chính hướng dẫn EVN thực hiện phương án đảm bảo kinh phí hoạt động cho A0 đến hết năm 2023. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất xử lý, báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 10/8.

Phó Thủ tướng yêu cầu đề án tách A0 thành lập doanh nghiệp mới và phương án chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về Bộ Công Thương phải trình Chính phủ trước 30/8.

Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai ngay sau khi hoàn thành chuyển giao A0 về cơ quan này.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mới.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trình dự thảo quyết định của Thủ tướng về tách A0 ra khỏi EVN trước ngày 22/8, đảm bảo khả thi, đúng thẩm quyền, pháp luật, nhất là các nội dung về cơ chế tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp.

Cơ quan này cùng Bộ Công Thương, EVN rà soát các cơ chế với hoạt động của EVN có thể bị tác động sau khi tách A0 chuyển về Bộ Công Thương. "Không để phát sinh vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan tới tranh chấp quốc tế (chủ nợ quốc tế của EVN, các hợp đồng BOT được Chính phủ bảo lãnh", thông báo kết luận nêu.

Trước đó, trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chuyển A0 về Bộ Công Thương, cơ quan này xin cơ chế đặc thù để giữ lương 40 triệu đồng/tháng cho hơn 454 lao động của A0 khi về Bộ.

Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo hệ thống điện vận hành, an toàn, tin cậy, tại đơn vị này có những nhân sự chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện với áp lực công việc nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm nghìn thiết bị điện cao áp khác nhau.

Trong quá trình làm việc phải ra các quyết định thật nhanh, chính xác, không được phép sai sót vì mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng nhân viên khác.

An Linh
Cùng chuyên mục