Bộ NN&PTNT quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Đình Thắng Chủ nhật, ngày 13/01/2019 14:05 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn tại hội nghị tổng kết tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018 và triển khai kế hoạch 2019 – 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Bình luận 0

Kinh doanh có lãi dù khó khăn

Năm 2018, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN của Bộ NNPTNT đạt được kết quả đáng kể, vượt so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian tới, Bộ tiếp tục khẩn trương tái cơ cấu DNNN do Bộ làm đại diện chủ sở hữu.

img

Công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ NNPTNT triển khai quyết liệt. Ảnh: I.T

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm như cao su, lúa gạo, cà phê... sụt giảm. Tuy vậy, các DN vẫn tiếp tục kinh doanh có lãi, trong đó có những đơn vị lãi cao như Tập đoàn VRG, Vinafood 1, Vinafor.

Ông Đặng Vũ Trân - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NNPTNT) khẳng định, năm 2018, về cơ bản công tác tái cơ cấu đang được thực hiện theo kế hoạch. Theo đó, "năm 2018, Bộ đã thực hiện cổ phần hóa  chuyển công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng 20 công ty con sang công ty cổ phần; công ty mẹ -  Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sang công ty cổ phần. Đây là 2 DN có quy mô rất lớn về tài chính, đất đai, lao động..., trong đó Vinafood 2 là DN có nhiều tồn tại về tài chính cần phải xử lý để có thể cổ phần hóa thành công" - ông Đặng Vũ Trân nói.

Bộ đã tổ chức bán đấu giá công khai và hoàn thành việc thoái 100% vốn nhà nước tại Tổng Công ty Mía đường II – công ty cổ phần, giá trị thu về, nộp ngân sách nhà nước sau khi thoái vốn là hơn 662,7 tỷ đồng. Đồng thời, đã thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu 5 DN sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đối với: Tập đoàn VRG– Công ty cổ phần, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Vinafood 2, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (Vinafor).

Ngoài ra, Bộ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với 3 DN là: Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam – Công ty cổ phần, Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi và đang tiếp tục triển khai đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Rau hoa quả.

Cũng theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm như cao su, lúa gạo, cà phê... sụt giảm. Tuy vậy, các DN vẫn tiếp tục kinh doanh có lãi, trong đó có những đơn vị lãi cao như Tập đoàn VRG, Vinafood 1, Vinafor.

Địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Vụ Quản lý DN cũng thừa nhận, tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, DN chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Một số DN chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa;...

Bàn về kế hoạch tái cơ cấu năm 2019-2020, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, năm 2019, Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt và triển khai khẩn trương tái cơ cấu DNNN do Bộ làm đại diện chủ sở hữu. Đặc biệt, "sớm hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần đối với Tổng Công ty chè Việt Nam; Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp; riêng Tổng Công ty Rau quả, Nông sản phải hoàn thành trong quý I/2019" - ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Bộ tiến hành xác định thời điểm xác định giá trị DN để cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long; chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu đối với Công ty Agrexport Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh bán vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định đối với 2 công ty cổ phần: Thuốc Thú y Trung ương Navetco và Vetvaco theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ tiến hành chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. "Trước mắt, thực hiện thí điểm việc cổ phần hóa Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn máy thiết bị nông nghiệp và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Sắp xếp, tổ chức lại 2 Ban quản lý dự án Thủy lợi 3 và Thủy lợi 5 thành DN (Công ty TNHH MTV) thực hiện nhiệm vụ công ích"- ông Hà Công Tuấn nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem