Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tháng 3 bi đát hơn cả những gì phố Wall lo sợ

16/04/2020 10:41 GMT+7
Báo cáo sản xuất và tiêu dùng tháng 3 do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 15/4 đã phản ánh những thiệt hại sâu sắc vượt qua ước tính của các nhà phân tích mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tháng 3 bi đát hơn cả những gì phố Wall lo sợ - Ảnh 1.

Doanh số bán lẻ tháng 3 lao dốc -8,7%, mức giảm vượt xa hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009

Doanh số bán lẻ tháng 3 giảm 8,7%, mức giảm kỷ lục kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu đo lường chỉ số này vào năm 1992. Hồi tháng 2, doanh số bán lẻ chỉ giảm 0,4%. Doanh số tăng mạnh 25,6% tại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc, nhu yếu phẩm đã không đủ để cứu vớt mức giảm tồi tệ tại các khu vực bán hàng khác như thời trang, đồ thể thao, xe hơi, xăng dầu…. Trước đó, các nhà kinh tế Reuters dự báo doanh số bán lẻ tháng 3 có thể giảm tới 8%, nhưng kết quả thực tế được công bố còn ảm đạm hơn cả dự báo.

Hoạt động công nghiệp khu vực New York rơi xuống mức -78,2%, giảm sốc xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Trên toàn nước Mỹ, sản xuất công nghiệp giảm 5,4%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1946 đến nay. Ngành sản xuất ô tô lao dốc 28% khi các nhà máy ngừng hoạt động vì đại dịch.

Đáng báo động hơn, những con số tồi tệ này chỉ là khởi đầu cho bức tranh toàn cảnh nền kinh tế bi đát mà lệnh phong tỏa của các chính quyền tiểu bang gây ra. Ước tính khoảng 90% người Mỹ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do sự lây lan đại dịch Covid-19. Dự báo cho tháng 4 thậm chí còn tồi tệ hơn nữa khi hơn 90% nền kinh tế gần như đóng băng vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tâm lý hộ gia đình cũng giảm 42 điểm xuống còn 30 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012 và là mức giảm tháng mạnh nhất trong 35 năm.

Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi đó, doanh số bán lẻ đóng góp phần lớn vào chi tiêu tiêu dùng. Từ mối tương quan chặt chẽ này, viễn cảnh ảm đạm của tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.

Cho đến tối 15/4, toàn cầu xác nhận 2.059.580 ca nhiễm virus corona và 134.155 ca tử vong. Trong đó, riêng tại nước Mỹ - ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, có tới 637.359 ca nhiễm và 28.364 ca tử vong do virus corona được xác nhận.

Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank nhận định: “Nền kinh tế rõ ràng đang bị hủy hoại ở khu vực chi tiêu tiêu dùng. Doanh số bán xe hơi giảm 25,6% trong khi doanh số bán đồ nội thất giảm 26,8% còn doanh số các địa điểm ăn uống giảm mạnh 26,5%”.

Các dữ liệu kinh tế dự kiến sẽ chạm đáy trong quý II, đưa GDP giảm sâu hơn 30%. Các nhà kinh tế JPMorgan thậm chí dự báo kịch bản tồi tệ hơn khi GDP quý II giảm 40% từ mức giảm 10% trong quý I. 

Dù vậy, Ward McCarthy, chuyên gia kinh tế tài chính tại Jefferies cũng chỉ ra một số điểm sáng trong báo cáo doanh số bán lẻ tháng 3. Đó là doanh số mua hàng trực tuyến tăng 3,1%, doanh số các mặt hàng chăm sóc sức khỏe tăng 4,3% còn doanh số vật liệu xây dựng tăng 1,3%.

Jon Hill, chiến lược gia tài chính cao cấp tại BMO nhận định các dữ liệu kinh tế ảm đạm đang làm dấy lên mối quan ngại suy thoái kinh tế mạnh mẽ bất chấp gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD mà chính phủ phê duyệt cũng nỗ lực bơm thanh khoản và hạ lãi suất về 0 của FED. “Nhìn chung, kinh tế dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi trong quý III” trước khi giảm sốc trong quý II.

Trước đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng chỉ ra hơn 17 triệu người lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần gần đây, lớn hơn rất nhiều con số hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục