Bộ TNMT đề xuất loại bỏ 5 loại phế liệu khỏi danh mục nhập khẩu

Tố Loan Thứ ba, ngày 24/07/2018 13:07 PM (GMT+7)
Sáng nay 24.7, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về việc rà soát, điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.
Bình luận 0

Triển khai Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ TNMT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19.12.2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó có 36 loại phế liệu được cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ.

Chưa kể việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, tác động rất xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Bên cạnh đó, chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu phế liệu của một số nước đã làm dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn về các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

img

Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi được kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục phế liệu nhập khẩu theo Quyết định 73. Ảnh: IT

Từ thực tế trên, Bộ TNMT đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời kiến nghị, để xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, cụ thể: thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải rắn mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu).

Loại bỏ những phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước. Điển hình: bỏ loại phế liệu “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (mã HS 47079000) vì lý do đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu giấy khác nhau, thường được sử dụng để tái chế các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Loại bỏ phế liệu thạch cao (mã HS 25201000) vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu nhưng chưa triển khai hoạt động nhập từ khi  được cấp giấy chứng nhận đến nay.

img

Vì không có doanh nghiệp nào đề nghị nhập khẩu nên "Các yếu tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử" cũng được đề xuất loại bỏ. Ảnh minh họa.

Tơ tằm cũng nằm trong danh sách kiến nghị loại bỏ vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị nhập với khối lượng rất nhỏ, bên cạnh đó đây cũng là loại phế liệu phát sinh trong nước, vì vậy phải khuyến khích doanh nghiệp thu mua triệt để trong nước…

Đa số các ý kiến của các đại biểu đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội đều đồng tình và nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Quyết định 73 của Bộ TNMT, đặc biệt là yêu cầu đưa ra quy trình giám sát chặt chẽ các loại phế liệu nhập khẩu, tránh thực trạng tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu như hiện nay khiến dư luận rất bức xúc.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực, có kho bãi, có đủ công nghệ xử lý chất thải thì mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu, tránh tình trạng những người sản xuất trực tiếp thì thiếu nguyên liệu, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực lại xin nhập khẩu phế liệu về, gây thực trạng lãng phí vô cùng lớn”.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, việc kiến nghị sửa đổi Quyết định 73 cũng sẽ tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu; giảm lượng phế liệu nhập khẩu; loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem