Bộ trưởng Bộ NNPTNT 'đặt hàng' Cục Lâm nghiệp về ý tưởng phát huy lợi thế nơi được coi là Sa Pa của Nghệ An

P.V Thứ sáu, ngày 18/08/2023 19:06 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan "đặt hàng" Cục Lâm nghiệp xây dựng một bản đề xuất ý tưởng để phát triển những tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An).
Bình luận 0

Kỳ Sơn, Sa Pa của xứ Nghệ - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Kỳ Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên hơn 209.000 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 180.000 ha, với khoảng 98% là đồi núi, vị trí tiếp giáp với nước bạn Lào, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn giúp giao thương hàng hóa. 

Vùng đất này là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên đặc trưng văn hóa rất đa dạng gắn với kiến thức kinh nghiệm truyền thống. Diện tích rừng khá lớn, đa dạng sinh học cao với nhiều loài cây, loài con quý như sâm Puxailaileng, gà đen, lợn giằng... 

Được thiên nhiên ưu đãi, nằm ở vị trí cao hơn 2.700m, có đỉnh Puxailaileng, nhiệt độ trung bình từ 20-25 độ, Kỳ Sơn được ví như "Sa Pa của xứ Nghệ" với điểm săn mây Mường Lống hiện đang thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, hứa hẹn tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tri thức bản địa rất lớn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT 'đặt hàng' Cục Lâm nghiệp về ý tưởng phát huy lợi thế nơi được coi là Sa Pa của Nghệ An - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ thăm và làm việc tại Huyện Kỳ Sơn cuối tháng 7/2023. Ảnh: P.V

Tuy vậy, địa hình của Kỳ Sơn chia cắt mạnh, đất đai nghèo dinh dưỡng, khí hậu khắc nghiệt. Trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Khơ Mú, Mông...), cuộc sống của người dân phụ thuộc phần lớn vào thu nhập từ khai thác sản phẩm và dịch vụ từ rừng (lâm sản ngoài gỗ, chi trả môi trường rừng…). 

Sản phẩm của người dân chủ yếu là sản phẩm thô, mang tính tự túc, tự cấp. Chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, chưa có sản phẩm đặc trưng, nổi bật mang giá trị văn hóa bản địa.

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tới huyện Kỳ Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dành phần lớn thời gian để thăm hỏi, gặp gỡ, nghe những câu chuyện từ người dân vùng cao nơi đây, cùng cảm nhận, chia sẻ những khó khăn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ luôn trăn trở làm sao để vùng nông thôn luôn có sự phát triển. Bộ trưởng cũng "đặt hàng" Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng một bản đề xuất ý tưởng, để phát triển những tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi Kỳ Sơn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT 'đặt hàng' Cục Lâm nghiệp về ý tưởng phát huy lợi thế nơi được coi là Sa Pa của Nghệ An - Ảnh 2.

Trong cuộc họp chiều ngày 17/8/2023 tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp đã trình bày ý tưởng xây dựng chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn. Ảnh: P.V

Đề xuất 5 giải pháp phát triển kinh tế cho Kỳ Sơn

Với quan điểm tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông lâm nghiệp đa giá trị, du lịch liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến thị trường, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc và phát huy tiềm năng lợi thế, nguồn lực của địa phương để sớm đưa huyện Kỳ Sơn phát triển bền vững, trên cơ sở "đặt hàng" của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Cục Lâm nghiệp đã chủ trì xây dựng, tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT 5 định hướng gắn với giải pháp cụ thể.

Trong cuộc họp chiều ngày 17/8/2023 tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp đã trình bày ý tưởng xây dựng chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn. 

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, ý tưởng ban đầu chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn đưa ra 5 định hướng gắn với những giải pháp cụ thể.

Một là, phục hồi và nâng cao giá trị đa dụng của rừng, trong đó thực hiện phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng như mô hình phát triển chuỗi tre luồng, trồng sa nhân, quế, cánh kiến đỏ, trẩu... , chi trả dịch vụ môi trường rừng; 

Hai là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi: Khảo sát và xác định sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với xây dựng chuỗi giá trị, chế biến (như chè san tuyết, măng đắng, mây tre đan, chưng cất tinh dầu gừng...), đề xuất vùng chuyên canh có ứng dụng khoa học kỹ thuật đi kèm với đào tạo tập huấn và xây dựng chứng nhận, quảng bá sản phẩm.

Ba là, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm bằng việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với phát triển cơ sở chế biến, tiêu thụ (chè Shan tuyết, mận, gừng, gà đen, cá nước lạnh...), tiến hành sản xuất theo hướng liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã), hướng dẫn, đào tạo nghề, xây dựng chứng nhận/chỉ dẫn địa lý sản phẩm và thị trường phân phối.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT 'đặt hàng' Cục Lâm nghiệp về ý tưởng phát huy lợi thế nơi được coi là Sa Pa của Nghệ An - Ảnh 3.

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 95% đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị văn hóa bản địa phong phú. Ảnh: CLN.

Bốn là, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc gắn với du lịch văn hóa, tri thức bản địa: Phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác với cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo (du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Puxailaileng, trải nghiệm làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, rèn đúc người H'Mông, đan lát của người Khơ Mú...), bảo tồn phát huy bản sắc văn hoa dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ Khắc - luồng - cồng chiêng - nhảy sạp, hát dân ca ví dặm, hương ước, quy ước..., đào tạo nhân lực phục vụ và quảng bá du lịch.

Năm là, ổn định dân cư, phòng chống thiên tai, đánh giá nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, thực hiện phục hồi và phát triển rừng, xây dựng công trình, phi công trình, bố trí dân cư an toàn, tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân và có kế hoạch cụ thể ứng phó với thiên tai. 

 Tuy nhiên, theo Cục Lâm nghiệp, để hiện thực hóa chương trình hỗ trợ với những định hướng và giải pháp trên thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ, địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khác và các nguồn lực về tài chính, kỹ thuật, con người. 

Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng chương trình hỗ trợ huyện Kỳ Sơn chi tiết, nghiên cứu, khảo sát thực tế tại địa phương, tham vấn các bên liên quan và hoàn thiện đề xuất hỗ trợ trình Bộ trưởng ban hành dự kiến vào tháng 11/2023.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: muốn thực hiện thành công công việc, điều quan trọng đầu tiên chính là suy nghĩ của mình, suy nghĩ tích cực, phải tin rằng mình có thể làm được. Bộ trưởng khẳng định: "Kỳ Sơn có nhiều khó khăn, tuy nhiên làm sao để biến những bất lợi đó trở thành lợi thế cùng với tư duy tích cực thì chắc chắn Kỳ Sơn ngày mai sẽ khác Kỳ Sơn của ngày hôm qua".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem