Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu lý do hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng xử lý môi trường

Quang Dân Thứ hai, ngày 09/11/2020 12:50 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn sáng 9/11, nhiều đại biểu (ĐB) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung liên quan đến việc bố trí chi ngân sách ở một số lĩnh vực như Khoa học công nghệ (KHCN), Tài nguyên Môi trường (TNMT).
Bình luận 0

Về việc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, một số lĩnh vực ưu tiên bố trí ngân sách là giáo dục và đào tạo, KHCN, y tế, TNMT. Thực tế đã bố trí đúng yêu cầu về chi ngân sách.

Cụ thể, đối với nội câu hỏi của ĐB Nguyễn Lâm Thành về Nghị quyết 97, bố trí 2% chi ngân sách cho KHCN, nhưng trên thực tế chi không đạt, nhiều địa phương chi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm vừa qua NSNN đã bố trí ưu tiên ngân sách cho KHCN cơ bản đảm bảo mức 2%, bao gồm cả NSTW và NSĐP; chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, tương tự như ở một số lĩnh vực khác việc phê duyệt triển khai các nhiệm vụ, đề án KHCN của các Bộ, ngành địa phương chậm và kéo dài, dẫn đến việc phân bổ kinh phí trong năm cũng chậm.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính nêu lý do hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng xử lý môi trường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ngoài ra, đối với một số địa phương có điều kiện ngân sách khó khăn, nhu cầu dành nguồn cho KHCN còn khó. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng Bộ KHCN bố trí, triển khai nguồn kinh phí này hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Trong khi đó, về vấn đề ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) nêu, hàng năm chi không hết vốn ngân sách của sự nghiệp môi trường, giai đoạn 2016-2020 phải hủy dự toán 2.416 tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính cho rằng có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, theo quy định, tại thời điểm tháng 10 hàng năm, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước thì các Bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ toán sự nghiệp môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán, nhưng trong thực tế việc phê duyệt này bị chậm và chỉ đạt 50-60%, số còn lại phải phân bổ trong năm, có trường hợp cuối năm mới phân bổ hoặc có năm không phân bổ hết.

Thứ hai, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư thì Luật Bảo vệ môi trường không cho phép. vấn đề này Bộ đã báo cáo Chínhphủ, Quốc hội và đã xử lý.

Nguyên nhân thứ ba là với xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì theo quy định, Trung ương hỗ trợ 50%, địa phương chi 50% kinh phí, nhưng nhiều địa phương khó khăn, không bảo đảm được khoản chi này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các địa phương phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nghiên cứu sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và các văn bản cho phù hợp...

Cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, trả lời đại biểu Lê Công Nhường về việc nếu tăng trưởng GDP đạt thấp dưới 6% thì có đảm bảo việc thu ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin, Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, Bộ sẽ cùng các đơn vị liên quan khác tăng cường tháo gỡ khó khăn của môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, Bộ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu trong nước. Về mặt tài chính, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra tránh chuyển giá, tránh trốn thuế, thu hồi nợ đọng thuế.

“Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao. Trường hợp nếu không đạt thì sẽ áp dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem