Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong tạo "luồng xanh" cho nông sản

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 09/06/2021 09:15 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có một đề xuất chưa từng có tiền lệ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 là cấp, sử dụng sổ thông hành (hộ chiếu vaccine) cho lái xe đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa lên biên giới phục vụ xuất khẩu.
Bình luận 0

Triệu tấn trái cây vào vụ, lo nhất khâu lưu thông

Báo cáo tại buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT và các ngành chức năng bàn giải pháp vận chuyển, lưu thông nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, sản lượng trái cây chủ lực năm 2021 của cả nước lên đến 8,3 triệu tấn, trong đó một số nhóm trái cây chủ lực có sản lượng tương đối lớn như: Thanh long 1,4 triệu tấn, xoài 870.000 tấn, chuối 2,1 triệu tấn, vải 300.000 tấn,…

Theo ông Toản, nhiều loại trái cây như vải, xoài, mận,… đang vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những vùng phải cách ly y tế do dịch Covid-19.

"Đơn cử như tại Long An, ngành chức năng của tỉnh đang phản ánh khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó khăn khi vận chuyển nông sản ra vùng dịch. Trong khi Bắc Giang lại lo thiếu lao động duy trì sản xuất do bị cách ly; tại Bắc Ninh việc kiểm dịch của đơn vị chuyên môn tại các vùng dịch bị cách ly y tế rất khó khăn" – ông Toản cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong tạo "luồng xanh" cho nông sản   - Ảnh 1.

Xe chở vải thiều thông quan tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Báo Bắc Giang.

Cũng theo ông Toản, vấn đề khiến nhiều địa phương đau đầu là việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương rất khó khăn.

"Đại diện tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh phản ánh các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. 

Nhiều địa phương cũng phản ánh tình trạng cước phí vận tải tăng trong khi nhu cầu thị trường giảm; chi phí nguyên vật liệu, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng khiến việc tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn" – ông Toản thông tin thêm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng đồng tình với báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vẫn còn tình trạng không đồng nhất  giữa các địa phương trong khâu giám sát vận chuyển, lưu thông nông sản.

"Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không ngăn sông cấm chợ nhưng các địa phương cũng nhận thức khác nhau và có ứng xử không đồng nhất. Đối với những nông sản có tính thời vụ, nếu quá trình lưu thông, vận chuyển bị chậm lại sẽ làm phát sinh chi phí, hư tổn nông sản" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

"Tôi lấy ví dụ, sau khi TP.Hồ Chí Minh bùng phát các ca Covid-19, Đồng Nai có văn bản cách ly 21 ngày với người về từ thành phố, sau khi Đồng Nai sửa sai, mở trở lại thì Long An lại siết chặt. 

Trong khi ở Trung Quốc, họ ứng phó với tình trạng ùn ứ nông sản trong điều kiện giãn cách, phong tỏa do dịch Covid-19 bằng chủ trương kích hoạt "luồng xanh" cho nông sản trong vận chuyển, có sự phối hợp giữa các ngành để tạo thông suốt. 

Bên cạnh đó, xe chở nông sản còn được miễn nhiều loại thuế, phí bao gồm cả phí sử dụng đường cao tốc, giải pháp này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng cái chính là đưa nông sản ra thị trường càng nhanh càng tốt, không còn tình trạng ùn tắc, dồn ứ.

Hiện, Bắc Giang cũng đang đi theo hướng này khi nông sản ra khỏi tỉnh đều có giấy chứng nhận lái xe và lô hàng an toàn với dịch Covid-19" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đề xuất cấp hộ chiếu vaccine

Từ những khó khăn các địa phương gặp phải trong khâu vận chuyển, lưu thông nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và các địa phương để giải quyết ngay những vấn đề phát sinh khi mùa thu hoạch nhiều loại trái cây đang đến rất gần.

"Ghi nhận thực tế chúng tôi thấy có 2 cái khó, đó là các cơ sở thu mua và sản xuất khi di chuyển qua các tỉnh rất khó khăn, kể cả vận chuyển ra cửa khẩu cũng bị kiểm tra liên tục.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong tạo "luồng xanh" cho nông sản   - Ảnh 2.

Huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tạo điều kiện cho xe chở nông sản qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 nếu có đủ giấy chứng nhận người và lô hàng an toàn. Ảnh: I.T

 Hiện, tỉnh Bắc Giang có sáng kiến giao Sở Y tế xác nhận cho tài xế và lô hàng an toàn với dịch Covid-19, khi có giấy này xe qua chốt rất dễ dàng. 

Từ thực tế này, tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương cũng triển khai cách làm như của Bắc Giang. Tuy nhiên, hiện nay khi xe lên đến biên giới lại phải đổi lái xe để vận chuyển nông sản sang biên giới. 

Do vậy, nhiều địa phương kiến nghị có thể trao đổi, bàn bạc cấp hộ chiếu vaccine để thuận lợi hơn cho lái xe, giảm chi phí" – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong tạo "luồng xanh" cho nông sản   - Ảnh 3.

Giấy chứng nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19 (gồm vải thiều, phương tiện bảo quản, chủ hàng, xe và lái xa vận chuyển) do UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cấp.

Đồng tình với nhận định này của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ nông sản là rất cần thiết lúc này.

"Từ đợt dịch thứ 3 bùng phát ở Hải Dương, Bộ Công Thương đã có công văn số 1083 hướng dẫn thu mua hàng hoá nơi có dịch, trọng tâm là tạo điều kiện vận tải nông sản với điều kiện tuân thủ phòng chống dịch, khi cần thiết chỉ định các cơ quan đầu mối cấp giấy chứng nhận liên quan về phòng chống dịch cho các tổ chức, cá nhân thu mua nông sản, giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho thu mua, tiêu thụ. 

Đợt dịch lần thứ 4 này, Bộ Công Thương cũng có văn bản 2931 ngày 25/5 đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các hợp tác xã kinh doanh vận tải xây dựng phương án tiêu thụ, hỗ trợ lưu thông hàng hóa kịp thời" – ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều ở thị trường trong nước trên tinh thần không "ngăn sông cấm chợ". "Qua báo cáo nhanh ở các địa phương, có đến 60% sản lượng vải sớm được tiêu thụ tại thị trường trong nước" – ông Tuấn thông tin.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NNPTNT sẽ đề xuất cơ chế phối hợp giữa Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng nhau giám sát từ khâu thu hoạch, đóng gói nông sản từ vùng sản xuất, phương tiện, người vận chuyển...

Cuối cùng, Bộ Y tế là cơ quan cấp giấy xác nhận an toàn cho các phương tiện, lô hàng. Khi đã có giấy này, các bộ, ngành khác tạo điều kiện để xe chở nông sản lưu thông thuận tiện, nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 đưa ra hàng thị trường nhanh nhất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem