Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Việt Nam thường tạo nên kỳ tích trong những lúc gian nguy nhất"

Nhóm PVKT Thứ bảy, ngày 09/05/2020 12:22 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã đi qua những ngày khó khăn nhất của dịch Covid-19. Ngay lúc này cần phải hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng” bởi "Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất"
Bình luận 0

Dẫn số liệu của các tổ chức uy tín quốc tế tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói:  Đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5%.

Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được "trạng thái tích cực" như tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các DN phải đối mặt với "khó khăn kép": vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.

Trong một khảo sát nhanh gần 130.000 DN vào cuối tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực DN, thể hiện ở việc giảm mạnh về số DN thành lập mới, quy mô DN bị thu hẹp; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).

Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khó khăn của thực tiễn đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ?

"Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất", Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng

Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy, DN Việt Nam đã rất chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam qua việc phòng chống đại dịch Covid-19 đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn. Bên cạnh đó, vận hội mới đang mở ra cho đất nước thông qua việc tham gia sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song và đa phương như CPTPP, EVFTA…

"Ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ "vàng", nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 6 định hướng, đề xuất gửi Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp bàn luận để vượt qua khó khăn trước mắt, trong đó, cần ưu tiên phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới.

Ông Dũng cho rằng cần hơn nữa chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ "kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu".

Ông cho rằng đây là biện pháp để thực hiện nhất quán và triệt để các cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem