Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Mong được chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới

O.L Thứ bảy, ngày 22/04/2023 15:56 PM (GMT+7)
Về Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng nay (22/4), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới biến động, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, đồng hành, hợp tác trong điều kiện có thể. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, ở nước nào cũng có luật pháp của mình, và luật pháp nước nào cũng có những nguyên tắc giống nhau. Đó là người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những việc luật không cấm, nhưng cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ làm những việc luật cho phép. Nước nào cũng có hoàn cảnh, điều kiện, có văn hoá, tập quán riêng cần được tôn trọng.

Chỉ hơn 2 năm qua, từ thời điểm dịch Covid-19 đến giờ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng chục cuộc đối thoại, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước để lắng nghe, động viên, tháo gỡ trực tiếp những khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Mong được chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu một số kiến nghị với các nhà đầu tư nước ngoài để giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng - Ảnh: VGP

Một số vấn đề liên quan đến điện được các nhà đầu tư quan tâm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến vấn đề phát triển ngành điện ở Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, thứ nhất, điện và giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước. Nhưng do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, vừa bị tác động nhiều chiều cả điều kiện hoàn cảnh trong nước, cả những cam kết quốc tế Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo và cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng được mấy nguyên tắc cơ bản:

Một là đáp ứng được nguyên tắc cung ứng đủ điện cho nền kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm phù hợp cơ cấu giữa các nguồn điện, cả điện nền, cả phủ đỉnh, an toàn cho hệ thống, cân đối giữa các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Đặc biệt, đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giá thành điện năng đáp ứng được khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện.

Nguyên tắc thứ hai là thực hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 27 cũng như trong các diễn đàn quốc tế về chuyển dịch năng lượng. Việt Nam cam kết và sẽ thực hiện được mục tiêu trung hoà carbon năm 2050 bằng nỗ lực của mình, và bằng những cam kết của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam nói riêng và đối với các nước phải thực hiện cam kết này nói chung.

Thứ ba, trong Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế halogen, các pin năng lượng sạch hoặc các hình thức xuất khẩu khác.

"Trong Quy hoạch điện VIII, chúng tôi có ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, rồi điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch. Chúng tôi đang triển khai xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp", Bộ trưởng nói.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.

Về phát triển điện gió ngoài khơi và mái nhà, đây là nguồn năng lượng sạch Việt Nam có tiềm năng, tuy nhiên phát triển đến đâu, bao giờ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Riêng điện mặt trời mái nhà, theo phương thực tự sản tự tiêu, mua bán trực tiếp và không qua hệ thống truyền tải điện quốc gia đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thí điểm, mà điển hình là TP.HCM đang được Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách phát triển này. Đây cũng là gợi ý tốt, thông qua thực tiễn của LEGO trong TP.HCM, thực tiễn mà các vị nêu để hình thành những khu công nghiệp sạch.

Về điện gió ngoài khơi, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác phát triển còn tuỳ thuộc vào quy hoạch không gian biển, tuỳ thuộc vào sự điều chỉnh để có sự thống nhất trong các quy định của luật hiện hành, xem xét các yếu tố an ninh quốc phòng, cảnh quan môi trường.

Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp, quyền mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng lớn và đơn vị phát điện cũng được quy định rất rõ trong Điều 47 của Luật Điện lực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế này, đang lấy ý kiến thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương từ tháng 9/5/2022. Chúng tôi cũng đang tiếp thu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Những ý kiến của Eurocham, Amcham hay các nhà đầu tư khác sẽ được chúng tôi nghiên cứu một các nghiêm túc để tiếp thu.

Mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị các nhà đầu tư nước ngoài, để thực hiện được ý tưởng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như giúp Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp và thông qua các vị có tiếng nói với Chính phủ của mình, các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư tiếp tục hỗ trợ Việt Nam:

Một là chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói chung, các cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường lưu trữ carbon, các cơ chế chính sách khác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp nền tảng như cơ khí, chế tạo, chế biến, năng lượng…

Đề nghị các vị đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu để điều chế nguyên liệu mới, vật liệu mới, vật liệu thay thế tại Việt Nam.

Thứ ba là đầu tư, hợp tác đầu tư tại Việt Nam về những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm như là năng lượng mới, công nghệ nền tảng, đồng thời có cam kết, lộ trình rõ ràng và khả thi để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cuối cùng đề nghị các vị vận động các quỹ toàn cầu có những khoản tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp để thực hiện các mục tiêu trên.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem