Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Cấm cửa" nhà thầu chậm với những dự án nào?

Thế Anh Thứ năm, ngày 29/06/2023 10:12 AM (GMT+7)
Tại buổi làm việc kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiên quyết yêu cầu khi lựa chọn nhà thầu phải gạt các nhà thầu chậm sang một bên.
Bình luận 0

Nói về kế hoạch giải ngân các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ giao số vốn kỷ lục nhất trong lịch sử với số vốn cần giải ngân là hơn 95.000 tỷ đồng. Vì vậy, các Ban QLDA/chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất đạt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ.

Tư lệnh ngành GTVT cũng kiên quyết yêu cầu không cho các nhà thầu chậm tiến độ tham gia dự án mới.

“Khi phát hành hồ sơ mời thầu các dự án mới (kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu) đều phải xác định gạt các nhà thầu chậm sang một bên", tư lệnh ngành GTVT kiên quyết.

Người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh: "Các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ cũng không được giao thêm dự án, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Cấm cửa" nhà thầu chậm với những dự án nào? - Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đã hoàn thành. Ảnh: TA

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thắng không quên biểu dương một số dự án làm tương đối tốt như: Vũng Áng - Bùng (đạt 115%), Vạn Ninh - Cam Lộ (đạt 102%) và nhiều dự án đạt khối lượng giải ngân hơn 90% so với kế hoạch đăng ký.

“Kết quả này cho thấy, công tác giải ngân ở phần lớn các dự án đang được kiểm soát tốt”, Bộ trưởng Thắng nêu rõ lý do biểu dương.

Cùng đó, Bộ trưởng Thắng đề nghị các Ban QLDA/chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế hoàn chỉnh hồ sơ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, chủ động xử lý các tồn tại để phê duyệt 14 dự án trong quý III/2023 theo kế hoạch.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Thắng yêu cầu Sở GTVT các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án mới, trước mắt là các dự án khởi công trong quý III/2023; Yêu cầu các nhà thầu tăng mũi thi công đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai.

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng GTVT về những khó khăn trong việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhận định ngoài yếu tố giải phóng mặt bằng chậm khiến cho dự án không có mặt bằng thi công còn có nguyên nhân vật liệu là yếu tố cản tiến độ các dự án giao thông.

Đặc biệt là dự án chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch giải ngân năm 2023 của Bộ như cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu vấn đề.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến nay, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở TN&MT các tỉnh 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất , 2/11 mỏ cát.

Tháo gỡ các mỏ vật liệu, Bộ TN&MT đã có văn bản làm rõ thêm về thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường.

Riêng khu vực ĐBSCL, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến nay, tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu m3, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí được khoảng 1,9 triệu m3 (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3).

Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục khai thác vật liệu cho dự án, đảm bảo tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem