Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan: Ngân hàng cấp tín dụng 'cho con cá thì phải cho cần câu'

L.T Thứ sáu, ngày 31/12/2021 07:33 AM (GMT+7)
Dòng vốn tín dụng đã khơi dậy tiềm năng phát triển của đất nước có lợi thế phát triển về nông nghiệp, nông thôn. NHNN đã và đang thúc đẩy các TCTD quay về khu vực này trong những năm gần đây”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bình luận 0
Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan: Ngân hàng cấp tín dụng 'cho con cá thì phải cho cần câu'  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: PV

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng là chất phụ gia tốt

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn giai đoạn 5 năm vừa qua, tăng trưởng đạt 18,2%, cao hơn mức tăng 15,2% tín dụng chung của nền kinh tế.  Đến cuối năm 2020, đã đạt trên 2,27 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 20219, cao gấp 2,7 lần so với đầu năm 2016. Tín dụng đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ tăng dần trong các năm. 

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, nguồn lực này đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển nông nghiệp nông thôn trong 5 năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2021. Những thành tích của ngành nông nghiệp có dấu ấn rất lớn của NHNN. Đặc biệt, kể từ năm 2020 đến nay, với sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân gặp khó khăn theo chính sách của NHNN. 

Một số TCTD đã xây dựng chính sách hỗ trợ riêng, có hiệu quả cao, như chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nhiều chương trình cho vay được ưu tiên lãi suất như vay phục vụ hoạt động kinh doanh, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp theo cá nhân, hộ gia đình theo tổ vay vốn… “Dòng vốn tín dụng đã khơi dậy tiềm năng phát triển của một đất nước có lợi thế phát triển về nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã và đang thúc đẩy các TCTD quay về khu vực này trong những năm gần đây”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng, từ năm 2021 đến nay, NHNN tiếp tục có nhiều biện pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và chuyển dịch mô hình tăng trưởng. 

Trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp, NHNN đã có chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm, lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng. Nhiều TCTD cũng đã có chương trình hỗ trợ riêng, được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Đơn cử như việc, ngân hàng đã xem xét hạn mức tín dụng các tỉnh trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua… trong thời gian vừa qua. Sau 3 tháng có chỉ đạo từ NHNN, dư nợ cho vay thu mua lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt dư nợ trên 9.000 tỷ đồng, hạn mức tín dụng được cấp là 12.000 tỷ đồng. 

“Trong năm qua, Bộ NN&PTNT luôn nhận được sự hỗ trợ từ NHNN, trong mỗi thành quả của Bộ luôn có dấu ấn của NHNN. Nếu nông nghiệp thời gian qua là bệ đỡ của nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng và các TCTD chính là những chất phụ gia tốt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

“Liệu cơm gắp mắm”

Ghi nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua, song Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả là yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. “Phải liệu cơm gắp mắm”, muốn sử dụng đồng tiền có hiệu quả, cần phải cân đối trong bối cảnh đồng vốn hạn hẹp, tạo ra lợi nhuận giá trị cao – theo Bộ trưởng Hoan.

Nguồn vốn trong nông nghiệp còn đến từ sự liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, sức mạnh từ mua chung, bán chung giúp giảm chi phí đầu vào, tránh thất thoát đầu ra. Một tay bà con cho ngân hàng vay, một tay bà con vay lại ngân hàng, bà con muốn đồng vốn ngân hàng cho vay thấp thì đồng vốn bà con cho ngân hàng vay cũng thấp. 

Về phía NHNN, NHTM và các ngân hàng địa phương, theo Bộ trưởng, cho con cá thì phải cho cần câu, cho cách câu, kiến thức sử dụng đồng vốn cho người dân, tránh “tiền mất tật mang”. Người nông dân cần được trang bị kiến thức về thị trường, kinh doanh để giữ được đồng vốn vay. 

Riêng với NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ hợp tác, để hỗ trợ hợp tác xã, người nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, từ kiến thức, phương án kinh doanh, xây dựng bảng cân đối tài chính minh bạch chính sách. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm tới, đề cao việc nâng cao kiến thức cho người nông dân. 

“Trong thời gian tới, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiếp tục đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với sự hỗ trợ của NHNN, chúng tôi sẽ xem đó là giải pháp quan trọng để hướng tới nông nghiệp sinh thái, thông minh, nông dân hiện đại, nông nghiệp xanh. Mong sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem