Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị tạm đình chỉ công tác theo quy định nào?

PV Thứ ba, ngày 24/07/2018 14:32 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người bị ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian này vẫn được giữ nguyên chế độ, chính sách và các quyền, lợi ích hợp pháp.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 23.7.2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định số 1261/QĐ-CTN về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đối với ông Trương Minh Tuấn.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ công tác Bộ trưởng cũng như các cán bộ cấp cao được thực hiện thế nào? Thẩm quyền của Quốc hội, nơi bỏ phiếu bầu Bộ trưởng sẽ được thực hiện thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội có phân tích dưới đây:

Về nguyên tắc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức  sẽ có thẩm quyền ra quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.  

Căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác có thể là các trường hợp sau: Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc thi hành công vụ.

img

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đang bị tạm đình chỉ chức vụ

Tuy nhiên, trong trường hợp người bị ra quyết định tạm đình chỉ công tác là Bộ trưởng thì người có thẩm quyền ra quyết định được căn cứ theo khoản 7 Điều 14 Nghị định 59/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, cán bộ, công chức, viên chức do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Quy định trên có thể được hiểu rằng: “Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ đối với Bộ trưởng có thể do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Trong thời gian Quốc hội họp, Quốc hội có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Bộ trưởng. Ngoài thời gian này, Chủ tịch nước sẽ có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ”.

Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Bộ trưởng sẽ có hiệu lực trong vòng 90 ngày. Trong thời hạn này, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ thanh tra, kiểm tra, xác minh liệu Bộ trưởng có vi phạm hay không.

Người bị ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian này vẫn được giữ nguyên chế độ, chính sách và các quyền, lợi ích hợp pháp.

Trong trường hợp có kết luận Bộ trưởng có hành vi vi phạm sẽ chính thức bị đình chỉ công tác, bị buộc thôi việc, giáng chức thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận không có hành vi vi phạm, người bị tạm đình chỉ sẽ được khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp và trở lại vị trí công tác ban đầu.

Thậm chí được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem