Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xác định đối tượng hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng lên danh mục đối tượng được thụ hưởng gói 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường, làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng điều kiện cho vay, mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.
Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4/2023.
Ngân hàng Nhà nước nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33 để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia để phát triển nhà ở xã hội cần ưu tiên cho người chưa từng sở hữu nhà và người thực sự có nhu cầu sở hữu nhà ở. Đặc biệt, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, việc phát triển quỹ đất sạch là ưu tiên tiếp theo bởi chi phí phát triển đất chiếm một tỉ lệ cao trong chi phí xây dựng nhà ở.
Theo đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc này, khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu hiện tại.
"Nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội. Đồng thời, linh hoạt, không quy định cụ thể đối tượng được mua nhà ở xã hội", ông Thanh kiến nghị.