Bong bóng cá tra bay ra thế giới, "hút" triệu đô

Thứ tư, ngày 09/02/2011 18:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bong bóng cá tra-basa, từng là phụ phẩm dư thừa tại các nhà máy, qua bàn tay của nông dân thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang) đã trở thành mặt hàng xuất khẩu thu về hàng triệu USD mỗi năm.
Bình luận 0
img
Một công đoạn chế biến bong bóng cá.

Phế phẩm lên ngôi vua

Về thị trấn Óc Eo, chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến bong bóng cá tra của chị Phạm Thị Phượng để tìm hiểm thêm về cái nghề lạ lẫm này. Chị Phương tâm sự: "Cơ sở của vợ chồng tui là một trong những nơi chế biến bong bóng cá tra xuất khẩu đầu tiên và lớn của thị trấn Óc Eo. Vợ chồng tui chuyển sang làm nghề này được 3 năm nay và cảm thấy cuộc sống tốt hơn trước đây…".

img Thời gian sắp tới khu vực này sẽ trở thành một làng nghề xuất khẩu bong bóng cá tra. Hy vọng cuộc sống của bà con cũng từ đó mà khấm khá lên hơn nữa... img

Phạm Hùng Em

Theo lời chị Phượng, mấy năm gần đây ở Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ bong bóng cá tra, cá basa đã qua sơ chế khô với số lượng lớn, mua giá rất cao để chế biến thành món ăn đặc sản của họ.

Trong khi đó bong bóng cá tra, cá basa ở các nhà máy phi lê đông lạnh ở An Giang lâu nay phần lớn được bán cho những người chăn nuôi nhỏ lẻ để tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Từ nhu cầu này, năm 2007, hai vợ chồng chị "làm liều" sang hết cửa hàng tạp hóa, gom vốn liếng về quê ở ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo cải tạo, san lấp 8.000m2 vừa ruộng vừa vườn để xây dựng kho bãi mở cơ sở thu mua rồi chế biến bong bóng cá tra xuất khẩu.

Theo quy trình mà chị Phượng chế biến:

Từ bong bóng cá tươi muốn phơi khô phải trải qua nhiều công đoạn sơ chế. Trước hết phải lộn ngược bong bóng cá ra để lấy chỉ máu và gân sau đó phải rửa và ngâm muối một ngày một đêm để bong bóng cá sạch và trắng.

Kế tiếp là nong bong bóng cá vào những ống cao su (mỗi ống nong từ 4-5 bong bóng cá tùy kích cỡ bong bóng), đem phơi nắng trong hai ngày cho khô ráo rồi đóng bao bì đưa đi xuất khẩu. Toàn bộ ống cao su nong bong bóng cá là do chị Phượng tự thiết kế mẫu cho riêng cơ sở mình rồi đem lên TP.HCM đặt làm khuôn.

Chị Phượng nói về kinh nghiệm làm món hàng xuất khẩu này: "Quan trọng nhất là phải làm sạch, không còn máu, nếu còn bong bóng cá sẽ hư. Trung bình cứ 10kg bong bóng cá tươi sẽ cho ra 2kg bong bóng khô”.

Mỗi ngày bình quân cơ sở của chị tiêu thụ từ 5-6 tấn bong bóng cá tươi sau đó sơ chế phơi khô dự trữ trong kho. Để chủ động nguồn đầu vào, chị Phượng phải đặt cọc, ký hợp đồng bao tiêu với hàng chục nhà máy phi lê cá đông lạnh ở An Giang, Cần Thơ cùng với việc đầu tư xây 4 lò sấy bong bóng cá dành riêng cho mùa mưa bão, nhằm đảm bảo đủ hàng xuất khẩu.

Làng nghề chế biến

Ông Trần Xuân Trường (SN 1960, ngụ thị trấn Óc Eo - Thoại Sơn) bộc bạch: "Cái duyên đến với nghề chế biến bong bóng cá xuất khẩu của gia đình tui cũng thật tình cờ. Trước đây gia đình tui sống bằng nghề mua bán cá khô. Sau được bạn bè gợi ý, mặt hàng bong bóng cá tra, cá basa ở tỉnh An Giang nhiều vô số sao không chịu thu mua để xuất khẩu.

img
 

Thấy gợi ý của bạn bè cũng có lý, nên tui lặn lội đi học hỏi cách chế biến khô bong bóng cá tại các cơ sở Châu Đốc, Tân Châu. Ban đầu chân ướt chân ráo vào nghề cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự tận tình chỉ bảo của những người đi trước nên mọi việc được êm chèo mát mái đến tận hôm nay...".

Ông Trường thổ lộ: Từ ngày chuyển sang nghề chế biến bong bóng cá tra đến giờ, trung bình mỗi năm, doanh thu gia đình ông đạt hơn 10 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận gia đình ông trên 1,5 tỷ đồng.

Có thể nói, nghề làm bong bóng cá tra - basa của người dân ở thị trấn Óc Eo đang thịnh hành và phát triển một cách tốt đẹp. Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Tân Hiệp A, xởi lởi nói: "Nhờ làm bong bóng cá mà gia đình tui có tiền trang trải chi phí hàng ngày. Cái nghề này nhẹ nhàng, dễ làm ít đòi hỏi nhiều công sức. Người nào giỏi thì mỗi ngày làm được 15-20kg bong bóng cá tươi, với tiền công là 4.500 đồng/kg thì kiếm cả trăm ngàn đồng như chơi…".

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng Em - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo khẳng định: "Việc ra đời của những cơ sở trên đã góp phần giải quyết được công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ đó mà từng bước cải thiện đời sống cho bà con nghèo”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem