Bỗng dưng bị truy thu thuế trăm tỷ vì làm… đúng

Nguyên Khôi Thứ năm, ngày 21/06/2018 17:55 PM (GMT+7)
Cùng một quy định nhưng cách diễn giải luật của cơ quan quản lý theo kiểu “nay thế này, mai thế khác”. Doanh nghiệp rõ ràng làm theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước nhưng có khi bị truy thu cả trăm tỷ đồng.
Bình luận 0

Ông Trần Việt Huy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ hàng hải kể câu chuyện này tại tọa đàm giữa hải quan và doanh nghiệp sáng 21/6.

Ông Huy thẳng thắn, cộng đồng doanh nghiệp thấy rủi ro bởi có trường hợp doanh nghiệp làm đúng quy định theo văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước nhưng sau đó, cơ quan chức năng thay đổi cách diễn giải của chính quy định ấy. Doanh nghiệp sau đó có thể bị truy thu vì cách hiểu mỗi lúc một khác này.

Ông lấy ví dụ về việc quy định hưởng ưu đãi thuế với C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) form D cho hàng tạm nhập tái xuất tại chỗ. Năm 2011, cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế với C/O này nhưng tới năm 2016, cơ quan chức năng lại diễn giải là C/O trên không được ưu đãi.

img

Doanh nghiệp lo vì cách diễn giải luật của cơ quan chức năng mỗi lúc một khác.

“Tôi không nói trước đó doanh nghiệp làm sai, nếu làm sai bây giờ bị truy thu thì không nói nhưng rõ ràng, doanh nghiệp làm đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý. Nhưng, bây giờ cơ quan quản lý diễn giải cách mới, áp dụng chế độ chính sách thuế khác, nên nhiều doanh nghiệp bị truy thu hàng trăm tỷ đồng”, ông Huy nói.

Kể câu chuyện khác, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) Đào Huy Giám cho rằng, cách quản lý rủi ro của cơ quan chức năng có cái dở là doanh nghiệp làm lấp liếm, cung cấp chất lượng ẩu, rủi ro cao vẫn được hưởng quản lý na ná như đơn vị làm tốt.

Điều này theo ông là trái ngược với các nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển. Tại các nước khác, doanh nghiệp nào làm tốt sẽ không bị giám sát quá chặt, thời gian lưu thông hàng hóa nhanh, uy tín trước cộng đồng cao. Trong khi ở Việt Nam, rủi ro đáng báo động hay không rủi ro thì chưa chắc đã có sự khác biệt.

Chưa kể, theo ông Giám, cơ chế một cửa hiện có nhưng vấn đề doanh nghiệp lo là “một cửa nhưng nhiều… chìa”.

Ví dụ, ông kể trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ hàng hóa có liên quan tới Bộ Y tế hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.  Không chỉ đơn giản là nộp hồ sơ trên cổng thông tin một cửa, các doanh nghiệp phải chạy về các bộ báo cáo chuyện “hồ sơ tôi nộp rồi, trong đó có vấn đề này, vấn đề kia”. Hồ sơ sau đó mới được cơ quan chức năng xem xét để duyệt thông quan.

Cung cách trên theo ông Giám là thiếu thông thoáng và các bộ máy vẫn quản quá nhiều.

Ông đề nghị cơ quan chức năng cần để tư nhân kiểm tra chất lượng hàng hóa. “Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ 50 triệu USD để cung cấp dịch vụ kiểm tra chuyên ngành, một phần phí sau đó sẽ được nộp lại ngân sách”, ông Giám nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn ghi nhận ý kiến doanh nghiệp. Ông cho biết cơ quan chức năng đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi  hơn cho doanh nghiệp. Minh chứng là hiện có 65% tờ khai hải quan được xếp vào luồng xanh, tức là thông quan dưới 3 giây. Thời gian tới, cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy tắc; quy định để việc thông quan được thông thoáng hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem