Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải

Ngọc Vũ - Hoàng Công Danh Chủ nhật, ngày 16/10/2022 14:47 PM (GMT+7)
Một buổi trưa đầu tháng 6, cựu binh Mỹ trạc tuổi 80 ôm trước ngực một bức tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát màu trắng, trang nghiêm bước vào chùa Trường Khánh để trả lại giúp bạn mình với ý niệm hoà giải.
Bình luận 0

Lập chùa giữ đất cho làng

Cách trung tâm thị tứ Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khoảng 100m, chùa Trường Khánh (có tên gọi khác là chùa làng Bồ Bản) hiện ra với vẻ trầm mặc. Trước là sông Vĩnh Định, tiếp đến một khoảng ruộng xanh và ngôi chùa.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 1.

Chùa Trường Khánh yên bình, ai đến đây đều được trút bỏ ưu phiền của đời thường. Ảnh: Hoàng Công Danh

Theo gia phả của các dòng họ trong làng Bồ Bản và bản văn tự được khắc trên quả chuông đồng lớn nặng gần 1 tạ, chùa Trường Khánh được nhân dân lập nên nhằm giữ đất cho làng.

Theo đó, khi xưa nhánh sông trước chùa Trường Khánh nằm trong hệ thống sông đào Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Dòng chảy lớn, nước trong, vua quan trong triều đình Huế thường dong thuyền ra ngự lãm. Một lần đi qua đây, từ trên thuyền đưa mắt nhìn thấy một đám đất thế long chầu hình rồng rất đẹp. Khi về cung vua có ý sung miếng đất ấy vào đất triều đình để sau này làm chỗ chôn cất hoàng thân. Bấy giờ ở trong triều đình có một người làng Bồ Bản làm nghề may y phục cho vua quan. Nghe tin, biết làng mình có cơ địa tốt, lại sợ bị mất đất nên người này tức tốc về làng tiết lộ với các bô lão.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 2.

Chuông chùa Trường Khánh có số phận khó long đong trước khi được trở về chùa. Ảnh: Dũng Tú.

Sau khi bàn luận, suy tính, nếu vua đã có ý thì làm gì cũng khó ngăn. Chỉ còn cách dựng lên một ngôi chùa, may ra thay đổi. Thế là dân làng Bồ Bản góp tranh tre nứa lá dựng lên một cái thảo am thờ Phật.

Mấy năm sau vua lại ra Quảng Trị, khi đi qua đoạn sông nhìn thấy miếng đất năm nào đã mọc lên một ngôi chùa. Chẳng những không quở trách, vua còn sắc phong cho ngôi chùa tên "Trường Khánh Tự", tức là ngôi chùa với niềm vui ngân dài.

Bước vào chùa Trường Khánh, người ta sẽ có cảm giác an yên, nhẹ nhõm, vơi đi những âu lo đời thường. Không những thế, ngôi chùa này còn có nhiều thứ để khám phá. Ví như quả chuông lớn treo trong chùa.

Quả chuông đồng màu đen, cao khoảng 70cm, họa tiết hoa văn... được đúc khắc tinh xảo. Trên bia có khắc bài văn chữ Hán, trong đó ghi lại lục tích ngôi chùa và cả diện tích.

Tương truyền, thời chiến tranh, quả chuông không hiểu vì sao lại bị đưa lên chiến khu Ba Lòng (huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị) – cách chùa hàng chục km, suýt bị cho vào nồi đồng nung để đúc vũ khí. May lúc ấy có người đọc được chữ Hán và biết chuông chùa làng Bồ Bản nên đưa về lại. Lúc đưa về, chuông được giấu dưới giếng chùa, mãi sau chiến tranh đi qua đi mới đem lên.

Tượng phật trở lại chùa

Đại đức Thích Mãn Toàn – trụ trì chùa Trường Khánh kể, một buổi trưa đầu tháng 6/2018, có bốn cựu binh Mỹ trạc tuổi tám mươi tìm về chùa. Xuống xe, một người đàn ông (sau này biết tên là Anderson) ôm trước ngực một bức tượng phật Quán Thế Âm Bồ tát màu trắng, trang nghiêm đi vào chùa.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 3.

Các cựu binh Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Muller ngồi khoanh tay, thứ 2 bên phải sang. Anderson ngồi bồng súng, ngoài cùng bên trái. Ảnh: H.C.D

Anderson hỏi đại đức Thích Mãn Toàn đây có phải chùa Trường Khánh không? Đại đức Mãn Toàn đáp phải, và cho biết người dân thường gọi là chùa Bồ Bản. Ông Anderson chưa dám tin lời vị sư trụ trì mà vẫn nghi ngờ mình đến nhầm chỗ, vì ngôi chùa bây giờ đã khang trang hơn, cây cối trong khuôn viên xanh tốt, không còn dấu tích hoang vu ngổn ngang nửa thế kỷ trước, thuở ông hành quân qua đây.

Suốt cuộc trò chuyện Anderson vẫn ôm khư khư bức tượng trên tay và quan sát cảnh vật để tìm dấu tích xưa. Gần cuối câu chuyện, ông Anderson mới nhìn thấy cái giếng phía trước và ồ lên, chính cái giếng đó ngày xưa ông từng múc nước lên uống cho đỡ khát.

Sau khi thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chùa Trường Khánh do Đại đức Thích Mãn Toàn cho xem, ông Anderson mới hoàn toàn tin và đặt bức tượng xuống bàn để trả lại cho chùa.

"Bạn tôi là ông Muller đã lấy bức tượng này. Trước khi mất đã nhờ tôi hoàn trả cho chùa" – ông Anderson nói.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 4.

Đại đức Thích Mãn Toàn cùng đại diện thôn, các bậc cao niên trong làng Bồ Bản nhận lại bức tượng từ cựu binh Mỹ. Ảnh: Hoàng Công Danh

Muller là người chỉ huy một đại đội Mỹ thực hiện càn quét nhằm giải tỏa các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn quân giải phóng tiến công. Việc càn quét thực hiện theo chỉ thị của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Clark Clifford vào tháng 4/1968.

Một lần, Muller dẫn đại đội qua làng Bồ Bản. Đi vào chùa Trường Khánh, Muller thấy cảnh tiêu điều bởi bom đạn, chỉ còn bốn cột gỗ, dưới đất có nhiều tượng Phật ngổn ngang. Thấy một tượng phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy bức tượng cho vào túi mang đi.

Trở về Mỹ sau khi bị mất một chân, Muller luôn ám ảnh chiến tranh Việt Nam. Trong những giấc mơ bom đạn, tang thương, Muller thấy mình lấy tượng Phật ở chùa Trường Khánh.

Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, trả lại bức tượng cho chùa Trường Khánh. Bởi ông tin rằng, bức tượng rất linh thiêng.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 5.

Bức tượng nặng khoảng 5kg, làm bằng đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay được cựu binh Mỹ mang từ nửa vòng trái đất trả lại chùa Trường Khánh. Ảnh: Hoàng Công Danh.

Không may, bệnh tật nặng khiến Muller qua đời năm 2006. Trước khi mất, ông gửi lại di nguyện cho đồng đội, nếu có dịp đến Việt Nam hãy giúp ông trả lại bức tượng cho chùa Trường Khánh. Ông Anderson đã làm điều đó, để giúp bạn và mình cùng được thanh thản.

Mất nhiều năm dò hỏi, được sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là sư cô Thích nữ Minh Hoà, quê xã Triệu Phước (Triệu Phong, cạnh làng Bồ Bản, định cư, lập chùa ở bang Texas, Mỹ), ông Anderson mới tìm được chùa Trường Khánh.

Vì không mang tôn giáo nào nên khi trả lại tượng, ông Anderson đã hỏi "tượng có ý nghĩa gì". Đại đức Thích Mãn Toàn trả lời, đó là tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát, mang hình ảnh của người mẹ hiền lắng nghe những khổ đau và cứu độ chúng sanh.

Bức tượng phật vượt nửa vòng trái đất trở về ngôi chùa ở Quảng Trị với ý niệm hoà giải - Ảnh 6.

Chính vì số phận và câu chuyện mang tính hoà giải chiến tranh, tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát được xem như "báu vật" của chùa Trường Khánh. Ảnh: Hoàng Công Danh.

Anderson chia sẻ, việc mang bức tượng Phật trả lại cho chùa cũng như xoa dịu một phần nào quá khứ đau buồn và hy vọng có thể hàn gắn, hóa giải được những khúc mắc, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông Lê Văn Mẫn – Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết, chùa Trường Khánh là chốn thiền linh có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân địa phương. Không chỉ vậy, Đại đức Thích Mãn Toàn còn là người đức độ, thường xuyên giúp đỡ chính quyền địa phương trong các công việc đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Khi có bão lũ, thiên tai, Đại đức Thích Mãn Toàn còn kêu gọi vận động tiền, quà cứu trợ người dân gặp khó khăn.

"Công đức của chùa Trường Khánh nói chung, Đại đức Thích Mãn Toàn nói riêng với nhân dân Triệu Trạch và vùng xung quanh là vô lượng" – ông Mẫn nói.

Chùa Trường Khánh - nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân xã Triệu Trạch nói chung và tỉnh Quảng Trị cũng như nhân dân nhiều nơi nói chung. Clip: Phạm Xuân Dũng - Lê Tú.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem