Cả làng ở Quảng Trị thay nhau canh giữ rừng ví như "báu vật", mỗi năm thu, nhặt nhiều đặc sản

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 12/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Làng Thượng Hoà đặt ra hương ước, cấm xâm phạm cánh rừng trằm rộng 44ha, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt lúa, tái phạm sẽ tăng nặng hoặc giao cho pháp luật trừng trị. Nhờ hương ước giữ rừng, coi rừng như "báu vật" và ý thức bảo vệ nên rừng mãi xanh tươi, đem lại nguồn lợi to lớn cho người dân.
Bình luận 0

Hương ước giữ rừng

Những ngày đầu tháng 11, nắng ấm kèm gió nhẹ càng làm cánh rừng nguyên sinh rộng 44ha ở làng Thượng Hoà (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trở nên đẹp đẽ, dịu mát. Cánh rừng này được người dân Thượng Hoà gọi là rừng trằm.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 1.

Những người dân làng Thượng Hoà tham gia tuần tra bảo vệ rừng trằm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Dẫn chúng tôi cùng đi tuần rừng, ông Trần Đức Vĩnh – chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn Cây Si, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thượng Hoà cho biết, không ai biết chính xác rừng trằm có tự bao giờ. Những cụ lão lớn tuổi nhất trong làng cũng chỉ biết khi sinh ra đã thấy cánh rừng này.

Là cựu chiến binh, lại tham gia bảo vệ rừng trằm hơn 20 năm nay, ông Vĩnh rành rẽ lịch sử cũng như từng gốc cây trong rừng. Ông Vĩnh cho biết, ngày xưa, rừng trằm có nhiều loại cây gỗ quý như lim, gõ, gụ,… nhưng nhiều nhất vẫn là dẻ.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 2.

Trên từng bước chân của người giữ rừng luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm. Tuy vậy, họ vẫn nhiệt huyết, miệt mài với tình yêu rừng, yêu thiên nhiên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, Mỹ cánh rừng này là một trong những địa bàn đóng quân, che chắn cho bộ đội ta chiến đấu. Người dân dùng cây to để làm hầm trú ẩn cho bộ đội, làm đài quan sát… Trong rừng có 3 trận địa pháo 37, pháo 12 li 7, bây giờ vẫn còn dấu tích. Đặc biệt, đây là nơi cất giấu lương thực, đạn dược để bộ đội vào Nam đánh giặc và phục vụ quân và dân các địa bàn lân cận chiến đấu, bảo vệ tuyến đầu - luỹ thép Vĩnh Linh.

"Không chỉ bộ đội, người dân cũng ở dưới hầm, có nhiều người đã sinh ra dưới cánh rừng trằm này" – ông Vĩnh nói.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 3.

Một góc rừng trằm nằm bên con đường dẫn đến làng Thượng Hoà. Trong chiến tranh, rừng trằm bị bom đạn cày phá, chỉ còn hoang mạc. Nhờ sự bảo vệ của dân làng, cánh rừng này mới xanh tốt như ngày nay. Ảnh: Ngọc Vũ.

Sau khi biết được tầm quan trọng của rừng trằm, năm 1972, Mỹ tăng cường ném bom vào trận địa pháo của bộ đội ta. Rú trằm bị bom đạn cày phá tan hoang, không một bóng cây, chẳng khác gì sa mạc.

Ông Vĩnh cho biết, khi có rú trằm, dù nắng nóng, hạn hán đến mức nào thì làng Thượng Hòa chưa bao giờ thiếu nước. Sau khi mất rừng, liên tục nhiều  năm giếng nước làng Thượng Hòa khô khốc, phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước mới, đi làng khác lấy nước về sinh hoạt. Không có cây, đồi cát rú trằm bắt đầu có hiện tượng cát bay, cát nhảy, lấp đất, lấp ruộng lúa của người dân…

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 4.

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên phải) trò chuyện cùng người dân làng Thượng Hoà trong chuyến tuần tra rừng trằm vào đầu tháng 11/2022. Ảnh: Đất Lúa.

Hoà bình lập lại, việc đầu tiên người làng Thượng Hoà làm là khoanh vùng, bảo vệ, khôi phục rừng trằm. Để công tác bảo vệ được nghiêm ngặt, làng Thượng Hoà đặt ra quy ước 10 điều, tựu chung là: Cấm chặt phá cây rừng, trừ trường hợp được làng đồng ý để phục vụ việc cộng đồng, làng xóm. Nếu ai vi phạm, lần đầu phạt 50kg thóc, lần 2 phạt gấp 3 lần, còn lần 3 thì đưa ra pháp luật xử lý. Khi cần làm cán cuốc, cán rựa, cày, bừa… thì phải xin phép làng mới được người giữ rừng cho chặt, nhưng cũng chỉ một đôi cành chứ không được nhiều.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 4.

Từ cánh rừng bị bom đạn cày phá trơ trụi, nay rừng trằm đã xanh tốt, mầm xanh vươn ánh nắng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trước kia, khi hương ước của làng mới lập ra, vẫn có một số người chưa biết sợ, vào rừng chặt phá. Sau khi bị xử phạt gấp đôi, gấp ba, đưa ra giữa làng để giáo dục, dần dần không ai dám.

Không chỉ lập hương ước giữ rừng, làng Thượng Hoà còn giao cho các hội, đoàn thể, HTX đứng ra chủ trì việc cắt cử người đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước của làng, rừng trằm được phục hồi, phát triển xanh tươi. Từ đó cuộc sống người dân Thượng Hòa mới êm ấm trở lại.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 5.

Trong rừng trằm có rất nhiều cây cao lớn, toả bóng, giữ nước ngầm cho làng Thượng Hoà. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Ở giữa rừng trằm có những mạch nước ngầm to hơn cái mâm. Nước từ dưới đất phun lên, mát lạnh đến run người. Trời càng nắng hạn thì nước càng trong và mát. Vào mùa hè, trước khi xuống tắm ở những mạch nước này phải chờ cơ thể hạ nhiệt. Nếu cơ thể đang nóng mà đường đột xuống tắm thì chắc chắn sẽ bị cảm vì chênh lệch nhiệt độ quá lớn" – ông Vĩnh nói.

Bảo vệ nguồn sống của làng

Hiện nay, rừng trằm Thượng Hòa rộng 44ha, chủ yếu là cây dẻ, ngoài ra có những loại như tràm bù, gõ, nếp, đài lòn, nhiều cây làm thuốc, là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú… . Rừng trằm cung cấp nguồn nước ngầm cho 40ha lúa, 10ha hồ cá và nước sinh hoạt cho hàng ngàn nhân khẩu ở xã Vĩnh Long.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 6.

Rừng trằm Thượng Hoà có diện tích 44ha, đảm bảo nước tưới cho 40ha lúa, 10ha hồ cá và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân xã Vĩnh Long. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đối với người dân làng Thượng Hòa, thích nhất có lẽ là đến mùa vào rừng lượm hạt dẻ đi bán. Mỗi kg hạt dẻ có giá 15.000 đồng. Mỗi người có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày. Không chỉ vậy, trong rừng còn có những loại nấm ngon, đặc sản, đặc biệt là nấm mối.

Ông Trần Đức Hoàn – Phó Giám đốc HTX Thượng Hoà cho biết, người dân nhận thức và thể hiện trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ rừng. Bởi đây là nguồn sống của làng. Nếu không có rừng trằm, làng Thượng Hoà sẽ thiếu nước, bị cát bay, cát nhảy bồi lấp, xói lở… "Rừng trằm còn thì làng ấm no sung túc, rừng mất thì dân khổ" – ông Hoàn nói.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 7.

Nguồn nước chảy ra từ rừng trằm làng Thượng Hoà chưa bao giờ cạn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hoàn cho biết, hiện nay làng và HTX Thượng Hoà cử ra 10 người tham gia giữ rừng. Cứ 5 ngày sẽ có 2 người đi tuần tra rừng. Nếu có tình hình phức tạp sẽ điều động thêm. Mỗi người sẽ được HTX hỗ trợ 80.000 đồng – 100.000 đồng/tháng để mua sắm trang thiết bị như mũ, quần áo, giày, ủng phục vụ việc tuần tra bảo vệ rừng.

Theo ông Hoàn, giữ rừng chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện. Bởi số tiền hỗ trợ chỉ mang tính động viên, chẳng thấm vào đâu so với công sức của người giữ rừng bỏ ra.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 8.

Người dân vào rừng trằm nhặt hạt dẻ bán kiếm tiền. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thật vậy, cùng đi tuần tra rừng, chúng tôi mới cảm thấy sự vất vả. Tuy cánh rừng khá bằng phẳng nhưng không tránh được nguy hiểm rình rập từ rắn, ong bắp cày… Đặc biệt, trên mỗi bước chân người giữ rừng luôn có sự đồng hành của một "đoàn quân"… muỗi vằn. Nếu trời nắng nhưng không có gió, chỉ cần dừng chân sẽ bị muỗi bâu kín mặt. Vất vả là thế nhưng thế hệ này già đi, thế hệ sau lại tiếp nối công tác giữ rừng trằm Thượng Hoà.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 10.

Nấm mối hái từ rừng trằm làng Thượng Hoà. Ảnh: Ngọc Vũ

Không chỉ có ý nghĩa xã hội, rừng trằm Thương Hoà còn là di tích lịch sử quan trọng của huyện Vĩnh Linh. Theo lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Long, vào một đêm cuối tháng 5/1931, tại rừng trằm, 7 chàng thanh niên ưu tú nhất làng Thượng Hoà gồm: Xu Quảng, Trần Văn Ngoạn, Trần Đức Nhượng, Trần Văn Trích, Trần Văn Luận, Trần Văn Nguyên, Trần Đức Ấm được kết nạp Đảng, chính thức thành lập chi bộ Đảng Thượng Lập. Đây là một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào cách mạng.

Ngôi làng ở Quảng Trị giữ rừng bằng hương ước, mỗi năm thu nhiều đặc sản - Ảnh 10.

Mồ ông Phượng nằm trong rừng trằm làng Thượng Hoà là nơi thành lập chi bộ Đảng Thượng Lập - một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Long cho biết, rừng trằm là lá phổi xanh, là mạch sống của người làng Thượng Hòa nói riêng và nhân dân toàn xã nói chung.

"Chúng tôi rất hoan nghênh việc hợp tác xã và người dân Thượng Hòa đã nêu cao tinh thần bảo vệ rừng. Xã sẽ tiếp tục phối hợp với làng để bảo vệ rừng trằm tốt hơn" – bà Hoài nói.

Công tác bảo vệ rừng trằm của làng Thượng Hoà, xã Vĩnh Long. Clip: Ngọc Vũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem