Cá tra xuất khẩu “dính” nhiều khoản phí

Thuận Hải – Ngọc Minh Thứ sáu, ngày 03/07/2015 08:33 AM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng, họ phải chịu nhiều khoản phụ phí và các loại giấy phép con trong nuôi và chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Bình luận 0

Gây tốn kém thời gian, ách tắc hàng

Ông Nguyễn Văn Ký – Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VPA) ra thông báo rằng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra phải chuyển tiền thẩm định hợp đồng xuất khẩu (HĐXK) vào tài khoản của VPA từ ngày 1 đến 5 hàng tháng. Số tiền thẩm định là 100.000 đồng/HĐXK. Phí tuy không cao nhưng gây tốn kém thời gian và ách tắc trong việc làm thủ tục thông quan hàng khi xuất khẩu của DN”.

img
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Hùng Vương.   Ảnh:     Thuận Hải

Cụ thể, ông Ký kể, ngày 5.6 vừa qua, Agifish gửi hồ sơ đăng ký HĐXK cho VPA, đơn vị này nhận được hồ sơ vào ngày 8.6. Tuy nhiên, đến ngày 10.6, Agifish vẫn không nhận được giấy chứng nhận HĐXK và được phía VPA thông báo là do Agifish chưa nộp phí thẩm định theo quy định.

Ngay sau đó, khi được thông tin qua điện thoại, Agifish đã chuyển cho VPA số tiền 900.000 đồng phí thẩm định HĐXK cho tháng 5 và ký quỹ 5 triệu đồng cho tháng 6. Cuối cùng, đến ngày 11.6 Agifish mới nhận được giấy chứng nhận đăng ký HĐXK cho những đơn hàng đăng ký trên, tức trễ 2 ngày làm việc so với kế hoạch. “Giấy chứng nhận đăng ký HĐXK chỉ thể hiện sản lượng xuất khẩu và mang ý nghĩa thống kê là chính, do đó, việc làm này đã làm mất thời gian của cả DN và cơ quan hải quan”- ông Ký nói.

Gây khó cho con cá tra

Không chỉ vậy, việc đăng ký nuôi cá tra thương phẩm theo Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, cũng còn nhiều điểm bất cập, không thực tế khiến DN gặp nhiều bất lợi. Theo đó, sản lượng đăng ký cho phép nuôi được tính toán trên cơ sở 40 con giống/m2 ao nuôi theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, mật độ nuôi của DN, nông dân hiện cao hơn nhiều.

“Ví dụ, một ao nuôi với sản lượng 200 tấn, mật độ 80 con/m2 nhưng khi đăng ký để nhận giấy chứng nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, DN chỉ đươc phép đăng ký 100 tấn, tức mật độ 40 con/m2. Vậy còn 100 tấn còn lại sẽ không đăng ký HĐXK được, vì thiếu giấy nuôi cá tra thương phẩm”- ông Ký bổ sung. Theo một văn bản mới đây được UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị gửi Chính phủ có đề nghị, Nghị định 36 làm phát sinh thêm nhiều chi phí, thời gian, nhân lực để thực hiện việc đăng ký HĐXK tại TP.Cần Thơ, tốn ít nhất 3 ngày làm việc. Hơn nữa, việc đăng ký HĐXK trở thành một thủ tục hành chính, một dạng giấy phép con để được xuất khẩu, việc này chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của T.Ư về cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, kiến nghị xem xét hủy bỏ việc thực hiện thủ tục đăng HĐXK cá tra với VPA.

Ông Nguyễn Văn Ký cũng cho rằng, ngày trước, các DN có uy tín trong hoạt động xuất khẩu được hải quan xếp vào hạng “luồng xanh”, tức được hải quan cho đi rất nhanh, không kiểm tra nhiều. Tuy nhiên, theo Nghị định 36, tất cả các DN đều phải vào “luồng vàng”, do hải quan yêu cầu phải có “giấy phép con”, là giấy phép chứng nhận HĐXK của VPA cấp, gây khó khăn cho DN. Hơn nữa, theo ông Ký, nếu cơ quan chức năng muốn quản lý vấn đề gian lận thương mại, có thể quản lý bằng cách yêu cầu DN ghi rõ các thông số liên quan đến ẩm độ, tỷ lệ mạ băng… trên bao bì.

“Gian lận thương mại là khi trên bao bì DN ghi một đằng, chất lượng một nẻo, còn chúng tôi ghi đúng tỷ lệ của sản phẩm trên bao bì. DN làm theo hợp đồng của khách hàng, người mua họ đồng ý với tiêu chuẩn chất lượng đó, tại sao chúng ta lại khống chế, khiến cho hoạt động xuất khẩu của DN bị cản trở?”- ông Ký chất vấn.

Việc đăng ký HĐXK trở thành một thủ tục hành chính, một dạng giấy phép con để được xuất khẩu, việc này chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của T.Ư về cải cách thủ tục hành chính. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem