Thứ hai, 20/05/2024

Các chuỗi bán lẻ Việt cạnh tranh với chính Apple bằng giá

20/05/2023 12:21 AM (GMT+7)

Theo nhận định của đại diện các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, người dùng Việt đang ưu tiên giá sản phẩm hơn trải nghiệm mua sắm trực tiếp từ Apple.


Các chuỗi bán lẻ Việt cạnh tranh với chính Apple bằng giá - Ảnh 1.

Việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam được các chuỗi bán lẻ đánh giá là bước đi tích cực, giúp người tiêu dùng được trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa từ hãng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia bán lẻ trong ngành công nghệ, việc hãng mở cửa hàng online không có tác động quá lớn tới thị trường bán lẻ trong nước bởi các chuỗi bán lẻ đang có xu hướng cạnh tranh bằng giá nhiều hơn là trải nghiệm dịch vụ.

Người dùng chuộng giá rẻ

Cũng theo vị này, người dùng Việt Nam có xu hướng lựa chọn nơi mua hàng với các tiêu chí như giá bán hợp lý, dịch vụ linh hoạt hơn các cửa hàng cao cấp.

Ví dụ với eDiGi, cửa hàng này ra mắt cách đây 5 năm với tham vọng lớn. Đây là thời điểm thị trường sản phẩm Apple chính hãng còn đang lép vế so với hàng xách tay. Cửa hàng cũng được phát triển bởi một trong những doanh nghiệp hàng đầu về bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam.

Với những ưu thế như vị trí đắc địa, diện tích rộng rãi, đạt 2 chuẩn Apple Premium Reseller (APR) và Apple Service Provider (ASP) sớm nhất tại Việt Nam, cửa hàng của eDiGi được đánh giá nằm ở chuẩn cao cấp nhất của hãng về dịch vụ và trải nghiệm mua sắm.

Tuy nhiên trong suốt thời gian hoạt động, eDiGi chỉ có một cửa hàng duy nhất tại TP.HCM và mới đây đã tuyên bố dừng hoạt động từ ngày 28/4. Đây được cho là hệ quả của việc người dùng Việt chủ yếu quan tới giá thành sản phẩm, những yếu tố như trải nghiệm mua sắm không giúp eDiGi tạo nên khác biệt trên thị trường.

Các chuỗi bán lẻ Việt cạnh tranh với chính Apple bằng giá - Ảnh 2.

Các cửa hàng theo mô hình mono store tại Việt Nam được đánh giá chưa thành công bởi vẫn phải cạnh tranh bằng giá rẻ. Ảnh: FS.

"Minh chứng cho việc người dùng Việt chú trọng tới giá thành chính là việc các chuỗi bán lẻ đang cạnh tranh với nhau hay với cửa hàng trực tuyến của Apple bằng giá các sản phẩm", vị này nói thêm.

Có thể thấy mô hình các cửa hàng thương hiệu (brand shop) vẫn chưa thể thành công tại Việt Nam.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, một số nhà bán lẻ đã mở lượng đáng kể các cửa hàng thương hiệu độc quyền (mono store) lớn, nhỏ. Tuy nhiên, những cửa hàng này vẫn phải cạnh tranh bằng giá rẻ chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ hay trải nghiệm mua hàng, và không thể duy trì mức giá bán cao như hãng niêm yết.

"Apple cũng như mọi hãng, đường đi luôn là mở những cửa hàng brand shop để xây dựng thương hiệu. Chúng ta đều thấy các thương hiệu khác trước đây như Nokia luôn có những cửa hàng riêng của họ. Để làm gì, để làm thương hiệu. Tôi không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, chia sẻ trong buổi gặp mặt với nhà đầu tư gần đây.

Tiết lộ với Zing, đại diện các chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR) tại Việt Nam cho biết việc mở các cửa hàng dạng mono store sẽ giúp chuỗi được ưu tiên về nguồn hàng và chính sách mua hàng. Vì vậy, tối ưu nhất là chuỗi vừa có cửa hàng bán lẻ đa dạng, vừa có cửa hàng cao cấp để có thể nhận được nhiều hàng hơn vào những giai đoạn khan hàng.

Tuy nhiên việc mở các mono store tốn nhiều chi phí và không tối ưu được hiệu quả nên một số chuỗi bán lẻ đã quyết định không đầu tư.

"Chuỗi cũng đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các hãng điện thoại để phát triển mô hình mono store trong vài năm qua, tuy nhiên tới hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy cơ hội thành công của mô hình này", đại diện một chuỗi bán lẻ chia sẻ.

Giảm giá để giành khách

Trước 2023, các chuỗi bán lẻ có thị phần lớn tại Việt Nam thường có giá bán các sản phẩm Apple nói riêng và các thương hiệu khác nói chung cao hơn 1-3 triệu đồng so với các chuỗi nhỏ hơn và cạnh tranh nhờ vào hậu mãi, độ phủ cửa hàng.

Các chuỗi bán lẻ Việt cạnh tranh với chính Apple bằng giá - Ảnh 3.

Cuộc chiến "giá rẻ" của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đang ngày càng trở nên gay gắt. Ảnh: Thúy Hạnh.

Tuy nhiên, hiện nay sự chênh lệch giá thành giữa các chuỗi đã không còn cao. Theo ghi nhận, mức giá chênh lệch của các sản phẩm tại các chuỗi bây giờ chỉ dao động 10.000-300.000 đồng.

Thị trường ảm đảm, cuộc chiến giá trở nên căng thẳng khi Thế Giới Di Động từng là chuỗi bán lẻ có chiến lược kinh doanh "không quan tâm đến đối thủ xung quanh" nhưng vào đầu năm 2023, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên, doanh nghiệp này đã buộc phải "nhìn vào đối thủ" để kinh doanh.

Đại diện nhiều chuỗi bán lẻ cho biết không chỉ cạnh tranh về giá niêm yết trên website, tình trạng cạnh tranh giá cũng diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ. Cụ thể, với các chuỗi có cửa hàng cạnh nhau, giá sẽ được giảm trực tiếp tại cửa hàng khi khách đến mua sản phẩm.

"Thị trường chưa từng cạnh tranh nhau gay gắt như thế này. Các chuỗi bán lẻ có thị phần lớn, độ phủ cửa hàng cao, hậu mãi tốt lại đang có mức giá rẻ hơn cả các chuỗi bán lẻ có thị phần nhỏ", đại diện một chuỗi bán lẻ chia sẻ.

Vị này cũng tiết lộ giá iPhone tại Việt Nam đang được các chuỗi cập nhật thường xuyên, giá thành biến động theo từng giờ. Tại một số chuỗi bán lẻ giá iPhone không chỉ được in trên banner mà còn có các bảng giá cắt dán số để thay đổi dễ dàng hơn.

"Chưa bao giờ giá iPhone tại Việt Nam lại có sự 'nhảy múa' như hiện nay. Hôm nay vừa giảm ngày mai lại tăng, sáng vừa niêm yết giá mới, chiều đã thay đổi. Cuộc chiến giá giữa các chuỗi bán lẻ đang rất căng thẳng và có sự so sánh lẫn nhau. Trước nay gần như luật bất thành văn vậy, chuỗi nhỏ cạnh tranh bằng giá rẻ, chuỗi lớn lãi tốt nhờ uy tín và hậu mãi. Giờ tình hình căng thẳng hơn rất nhiều", người này nói thêm.


"Chưa bao giờ giá iPhone tại Việt Nam lại có sự 'nhảy múa' như hiện nay",
Đại diện một chuỗi bán lẻ tiết lộ

Theo nhận định của đại diện các chuỗi bán lẻ, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các chuỗi bán lẻ mà sẽ tạo ra một khung giá làm cơ sở tham chiếu cho thị trường, khiến các đại lý khó bán giá cao.

Bên cạnh đó động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, giá trần sản phẩm mà cửa hàng trực tuyến của Apple có thể thiết lập trong tương lai nhiều khả năng chỉ tồn tại khi nguồn hàng dồi dào. Tới thời điểm khan hàng, giá iPhone và các sản phẩm non-phone khác của Apple sẽ đội giá dựa trên cung cầu tại thị trường thứ cấp.

Trước đó, khi thị trường chưa đi vào giai đoạn ảm đạm, các đại lý lớn có quyền tự đưa ra một mức giá phù hợp cho sản phẩm và mục tiêu kinh doanh. Những đại lý có quy mô vừa và nhỏ thường phải chọn giảm giá sâu để thu hút khách hàng và bù lỗ bằng việc bán phụ kiện, gói bảo hành kèm theo.

Theo Zing




Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời mái nhà có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế - xã hội. Thực tế, nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đã thành công ở nhiều địa phương, tạo ra những mô hình phát điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế.

Xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, tại sao không?

Xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, tại sao không?

Giá vàng “nhảy múa”, biến động bất thường, càng khiến dư luận đòi hỏi câu trả lời, tại sao không xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng?

Ai đang thao túng và trục lợi từ giá vàng?

Ai đang thao túng và trục lợi từ giá vàng?

Giá vàng càng biến động mạnh, chênh lệch mua vào - bán ra càng lớn, càng tạo nhiều lợi nhuận cho các “nhà cái”. Giải pháp bình ổn bằng cách nhập khẩu vàng hay phá thế độc quyền vàng miếng SJC đều không phải giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng mà là điều kiện mang lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Thăng trầm tỷ phú đô la Việt Nam, tài sản tỷ USD vẫn chưa được xướng tên

Thăng trầm tỷ phú đô la Việt Nam, tài sản tỷ USD vẫn chưa được xướng tên

Tài sản của các tỷ phú có đóng góp lớn của cổ phiếu nắm giữ, do đó tài sản thường biến động liên tục dưới tác động của thị trường. Không thiếu doanh nhân Việt từng cán mốc tài sản 1 tỷ USD nhưng vẫn chưa được bảng xếp hạng thế giới điểm tên.

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Xu hướng mới của văn phòng cho thuê để giữ chân khách

Thị trường văn phòng cho thuê đang ghi nhận xu hướng chuyển dịch về nhu cầu từ phía khách thuê, buộc chủ đầu tư văn phòng thay đổi không chỉ về giá mà còn nhiều yếu tố để giữ chân khách thuê.

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng, vì sao càng can thiệp giá càng tăng?

Chiều ngày 6/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 86 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất cao nhất trong lịch sử và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.